Lần đầu tiên, liên bộ: Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Giáo dục - Đào tạo và Nội vụ cùng phối hợp tổ chức hội thảo có quy mô toàn quốc tìm cách giải bài toán nhân lực cho ngành TN-MT. Quy mô của hội thảo lớn nhất từ trước tới nay nhưng những giải pháp đưa ra chưa thật sự sát sườn như kỳ vọng của nhiều người.
Báo cáo của Bộ TN-MT cho thấy một bức tranh xám xịt về nhân lực của ngành. Mặc dù đây là ngành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước 7 lĩnh vực gồm: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu… nhưng đội ngũ quản lý lại không đáp ứng được yêu cầu do có sự mất cân đối nghiêm trọng về số lượng lẫn chất lượng.
Những con số đưa ra tại hội thảo đã khiến nhiều đại biểu giật mình: cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối đáng báo động, đất đai chiếm 52,2%, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chiếm 1%, địa chất khoáng sản chỉ có 1,8% và các chuyên ngành khác chiếm 30,8%.
Nghiêm trọng hơn, về năng lực quản lý, hầu hết cán bộ được đào tạo bài bản đều đã lớn tuổi và nghỉ hưu; cán bộ chuyên trách tại các địa phương có trình độ ĐH và sau ĐH chỉ chiếm khoảng 15%, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 48,1%. Về chuyên gia đầu ngành trong khối trường thuộc Bộ TN-MT chưa có giáo sư.
Thậm chí trong tổng số 1.300 cán bộ khoa học của các tổ chức nghiên cứu thuộc bộ này hiện chỉ có 92 tiến sĩ và chưa có cán bộ đạt học hàm phó giáo sư.
Rõ ràng nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng về nhân lực đã được thẳng thắn nhìn nhận do không có quy hoạch phát triển nhân lực, không dự báo được nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, không thực hiện được liên kết để hoạch định định hướng đào tạo...
Không chỉ Bộ TN-MT mà nhiều bộ ngành khác cũng than phiền vấn đề thiếu và yếu nhân lực vốn là bài toán nan giải. Tuy nhiên, một lần nữa giải pháp trám lỗ hổng này cũng chưa được nhìn nhận, phân tích một cách thấu đáo.
Mặc dù Bộ TN-MT cho rằng đến năm 2015, ngành sẽ cần khoảng 4,5 vạn lao động bổ sung và xác định cụ thể nhu cầu lao động cho 7 lĩnh vực nhưng nhiều chuyên gia phân vân vì con số này liệu có khoa học hay cần phải điều chỉnh lại?
Một chuyên gia đào tạo phân tích: Bộ TN-MT chưa đưa ra được con số chính xác mỗi năm 126 cơ sở đào tạo ĐH-CĐ (81 trường) và 45 cơ sở trung cấp chuyên nghiệp (45 trường) có đào tạo các ngành về TN-MT cung ứng cho xã hội bao nhiêu lao động và cũng chưa thống kê có bao nhiều phần trăm số sinh viên tốt nghiệp ra trường theo làm ngành này.
Và một điều quan trọng mà một số trường cho rằng cấp quản lý cần lưu tâm: Tại sao vấn đề môi trường hiện nay đang là vấn đề nóng, từ trung ương đến địa phương, các cơ quan nhà nước đều ca thán không có người để tuyển nhưng thực tế sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn không có chỗ làm?
Như vậy, vấn đề cốt lõi nhất để phát triển ngành TN-MT chính là con người. Thế nhưng, theo giới chuyên môn, trong hàng loạt giải pháp mà bộ này đưa ra để đạt đến con số 4,5 vạn lao động cho ngành, chưa thấy giải pháp nào mang tính đột phá mà tiếp tục dàn trải.
Ngân sách nhà nước có hạn và nếu đầu tư theo kiểu chia đều, thiếu cơ bản, thiếu đồng bộ và hiện đại từng bước từ những khâu thật sự cần thiết, e rằng không chỉ ngành TN-MT mà nhiều ngành khác vẫn cứ tiếp tục thiếu và yếu.
Hy vọng rằng, khi được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo giai đoạn 2010 - 2011, Đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành TN-MT sẽ có nhiều giải pháp đột phá và tập trung hơn.
THANH MINH