Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được TPHCM triển khai từ năm 2007, đến nay đã thực sự thổi vào công tác dân vận một làn gió mới và đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cơ sở.
Trong 4 năm qua, không thể thống kê hết các hoạt động, phong trào thi đua sôi nổi, các mô hình, điển hình dân vận khéo phát triển rộng khắp tại các địa phương, đơn vị. Hơn 3.300 điển hình tập thể và hơn 11.000 cá nhân “Dân vận khéo” được tuyên dương ở các cấp vẫn là con số chưa phản ảnh đầy đủ, vì trong thực tế còn rất nhiều tấm gương “Dân vận khéo” vẫn lặng lẽ đóng góp vào thành tích chung của tập thể.
Cũng khó mà đong đếm hết nỗi vất vả, khó khăn và niềm vui khi mà mỗi cán bộ dân vận đưa được một học sinh bỏ học trở lại trường, khi giúp được một hộ thoát nghèo, khi cảm hóa được một người phạm tội hoàn lương, khi tìm được việc cho thanh niên tái hòa nhập cộng đồng… Mỗi mô hình, phong trào mà ở đó đều mang một nét độc đáo riêng, nơi lòng nhân ái được trải rộng, ấm áp cho cả người gieo và người nhận.
Tuy nhiên, hiện nay, đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, công tác dân vận rất cần được đổi mới. Mỗi đối tượng khác nhau đòi hỏi phương thức dân vận khác nhau. Chẳng hạn, với người dân bị mất ruộng đất trong giải phóng đền bù, không còn niềm tin vào chủ trương, chính sách thì cần phải đổi mới công tác dân vận như thế nào để lấy lại niềm tin này? Rồi đội ngũ công nhân lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp TP vẫn đang hàng ngày cần mẫn làm việc nhưng đời sống còn quá nhiều khó khăn thì công tác dân vận đổi mới thế nào để đến được với đội ngũ này?...
Hiểu cho đơn giản nhất, đổi mới công tác dân vận là làm sao cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo trở về với dân, sống với dân và giúp người dân xây dựng cuộc sống no ấm. Đồng thời, dân vận cũng là “nói và phải làm”, nêu gương của cán bộ dân vận. Bởi, có những trường hợp nói thì rất hay nhưng tấm gương của người ấy không thuyết phục người nghe thì cũng phản tác dụng.
Hồng Hiệp