Nếu nói đến đỉnh cao, hẳn Everest sẽ là dấu mốc được các nhà thám hiểm khắp thế giới khát khao muốn chinh phục. Còn về hang động, Sơn Đoòng ở Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến hấp dẫn xứng tầm thế giới trong ngành du lịch thám hiểm, khám phá và chinh phục thử thách. Nhưng Sơn Đoòng sẽ ra sao nếu như hang động kỳ vĩ này bị khai thác bằng dự án cáp treo để phục vụ số đông du khách?
Ngồi bên quán cà phê ven sông Son ở Phong Nha - Kẻ Bàng, Boris Bobrow, kỹ sư phần mềm đến từ Nga, đang rất hồi hộp bởi hôm sau sẽ là chuyến thám hiểm hang động đầu tiên trong đời, và lại là Sơn Đoòng, một hang động đang chiếm giữ ngôi vị đẹp, lớn, và kỳ vĩ nhất thế giới. Boris chia sẻ: “Tôi có 7 ngày phép, thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần là 9 ngày, đột nhiên nghĩ chuyện muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt cho bản thân. Khi lên mạng thấy hình ảnh cùng thông tin về hang Sơn Đoòng, tôi quyết định đó là nơi đặc biệt mà tôi phải đến chinh phục”. Boris là một trong số khoảng 200 lữ khách đến từ khắp thế giới khám phá Sơn Đoòng hàng năm. Nhưng con số ít ỏi ấy đóng góp cho ngành du lịch Việt hơn nửa triệu USD tiền dịch vụ.
Khi đẳng cấp được xác lập
Các chuyến thám hiểm Sơn Đoòng hiện nay đều nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia thám hiểm hang động hàng đầu thế giới trong Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA). Theo thông tin của hãng lữ hành duy nhất tổ chức tuyến thám hiểm Sơn Đoòng là Oxalis, hơn 98% du khách là người nước ngoài, đến từ khắp thế giới, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như siêu mẫu Cộng hòa Czech, Thái tử Ả Rập, chính khách Mỹ… với lượng khách tham quan mỗi tuần chỉ dừng lại con số 8 người, nhưng cần đến 25 người bao gồm chuyên gia, dẫn đường, hướng dẫn, khuân vác, phục vụ, nấu bếp…
Việc xây cáp treo trong Sơn Đoòng sẽ nảy sinh những hậu quả: - Phá vỡ cảnh quan, gây mất cân bằng sinh thái một khi tiếp lượng khách du lịch ồ ạt, đại chúng, dẫn đến mất kiểm soát môi trường tự nhiên. - Gây mất lòng tin với Uỷ ban di sản thế giới. - Mất đi tính hấp dẫn với hệ thống hang động và loại hình du lịch thám hiểm đang bắt đầu hình thành và phát triển tốt tại Quảng Bình, bởi ở Việt Nam, không chỉ riêng Quảng Bình, hệ thống hang động núi đá vôi còn có ở Phú Thọ, Ninh Bình và các tỉnh thuộc khu vực Đông – Tây Bắc. |
Điểm cuốn hút của Sơn Đoòng ngoài yếu tố là hang động lớn nhất thế giới, điều quan trọng là việc nắm bắt thời cơ khai thác dịch vụ và phát triển thương hiệu Sơn Đoòng. Nhìn lại hệ thống hang Phong Nha - Kẻ Bàng, từ khi phát hiện đến lúc đưa vào khai thác phục vụ du lịch là quãng thời gian khá dài, chẳng hạn hang Én được thám hiểm và công bố là hang lớn nhất thế giới từ năm 1994, nhưng mãi đến năm 2012 mới chính thức khai thác phục vụ du lịch mạo hiểm. Sơn Đoòng là hang được khám phá muộn nhưng việc khai thác hiệu quả và hợp lý đang gây tiếng vang tốt nhất trong loại hình du lịch thám hiểm hang động tầm thế giới hiện nay.
Khi nhắc đến hang động, nhiều người có chung suy nghĩ, cũng chỉ là cái hang tăm tối, có thạch nhũ, sông ngầm, vài loài động thực vật sống trong đó… Nhưng riêng với Sơn Đoòng, những nhà nghiên cứu, làm phim, báo chí… đa phần từ nước ngoài, đã có cách thể hiện của riêng họ qua những chương trình, bài viết, hình ảnh đầy kỳ ảo của Sơn Đoòng, từ đó đã xác lập một đẳng cấp, một địa danh để giới du lịch sẵn sàng bỏ chi phí 3.000 USD chinh phục những khắc nghiệt, những gian nan vất vả suốt hành trình, để diện kiến vẻ đẹp hang động như một miền tiên cảnh, với thạch nhũ, sông ngầm, với những hố sụt tạo ra các thảm thực vật và khu rừng đẹp đến độ các nhà thám hiểm gọi đó là vườn địa đàng.
Sơn Đoòng cũng là nơi lưu dấu những câu chuyện từ các vị khách đặc biệt, như cụ bà Veronica Mclnerney đến từ Úc, nay đã ngoài 70 tuổi, gương mặt không hề lộ vẻ mệt mỏi sau chuyến thám hiểm Sơn Đoòng, vui vẻ kể: “Con trai và cháu tôi đã chinh phục Sơn Đoòng, những hình ảnh và chuyện kể từ chuyến đi đã hấp dẫn tôi, và khi quyết định tham gia chuyến thám hiểm này, tôi phải bỏ thời gian rèn luyện sức khỏe, đi bộ, leo núi mỗi ngày. Tôi đến Phong Nha - Kẻ Bàng, tham gia các tuyến đi hang ngắn ngày như hang Én đến 2 lần, làm quen với môi trường hang động sau đó mới chinh phục Sơn Đoòng. Và bây giờ, như bạn thấy, tôi đã sống sót và tự hào khi là gia đình đầu tiên với 3 thế hệ chinh phục thành công Sơn Đoòng”.
Đẳng cấp Sơn Đoòng cộng thêm chính từ những giá trị thú vị ấy.
Thương hiệu quảng bá hình ảnh Việt Nam
Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm hang động BCRA, người trực tiếp hướng dẫn, cung cấp thông tin và dẫn các đoàn khách vào Sơn Đoòng với vai trò là chuyên gia hang động, từng chia sẻ với tôi vào năm 2012, trước khi Sơn Đoòng được đưa vào khai thác du lịch: “Quảng Bình, hay nói rộng hơn là Việt Nam, đang sở hữu một thương hiệu cực kỳ quý giá là Sơn Đoòng. Hơn 20 năm trước, khi hang Phong Nha được mọi người biết đến, cuộc sống ở ngôi làng nhỏ ven sông Son rất nghèo nàn, nhưng nay đã hoàn toàn thay đổi và phát triển từng ngày, nhờ du lịch. Sơn Đoòng cũng vậy, nếu biết tận dụng thương hiệu ấy và khai thác đúng cách, theo mô hình du lịch bền vững, đó sẽ là cơ hội để người dân Phong Nha phát triển thêm, và Sơn Đoòng cũng là kênh quảng bá và giới thiệu rất hiệu quả hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới”.
Kể từ khi đoàn khách đầu tiên vào Sơn Đoòng năm 2013, cho đến nay, hàng tuần đều có nhóm - tối đa 8 du khách - chinh phục Sơn Đoòng. Không ít người trong họ biết đến Sơn Đoòng, rồi mới biết đến Việt Nam như Sheila Kinsella, người Ireland, chia sẻ sau chuyến thám hiểm Sơn Đoòng: “Do đặc thù công việc ở ngân hàng, nên tôi không có nhiều thời gian dành cho du lịch. Một lần tình cờ đọc thông tin trên mạng, tôi ấn tượng với những hình ảnh về Sơn Đoòng, và khi tìm hiểu thêm để đi đến quyết định sẽ dành tiền tham gia chuyến du lịch này, tôi mới biết Sơn Đoòng ở Việt Nam. Thành thực mà nói, trước đó tôi chẳng biết Việt Nam ở đâu, nhưng tôi quyết định đến chỉ vì nơi đó có hang động lớn nhất thế giới”.
Jasmina Mala, siêu mẫu Cộng hòa Czech, cũng chinh phục thành công Sơn Đoòng và chia sẻ: “Tôi đưa lên trang cá nhân mấy hình chụp từ hang Én, hang Sơn Đoòng, khiến bạn bè xôn xao vì không hình dung tôi có thể tham gia một chuyến thám hiểm kỳ thú với phong cảnh ngoạn mục như vậy. Nhiều người hỏi tôi cách thức tham gia chuyến thám hiểm này với mong muốn trở thành những du khách ít ỏi hàng năm chinh phục hang động lớn nhất thế giới”.
Trong số du khách thám hiểm Sơn Đoòng, có Thái tử Ahmed Hamdan đến từ Abu Dhabi, chủ bút tạp chí Land Sea Air (Đất Biển Trời), chuyên về du lịch mạo hiểm, khi nói về Sơn Đoòng, ông đầy tự hào: “Tôi rất vui vì là người Ả Rập đầu tiên đặt chân đến hang động đẹp và kỳ vĩ nhất thế giới. Trong số tháng 4-5 của Land Sea Air, chủ đề chính trong tạp chí của chúng tôi là Sơn Đoòng, đây là bài tường thuật vẻ đẹp Sơn Đoòng đầu tiên trên một tờ báo ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Điều tôi muốn chia sẻ không chỉ là niềm tự hào của bản thân, mà còn là giới thiệu vẻ đẹp diệu kỳ của Sơn Đoòng đến với bạn đọc của chúng tôi”.
Du lịch bền vững, liệu có dễ?
Đi kèm với thành công của tuyến du lịch Sơn Đoòng là một thách thức lớn: Đó là câu chuyện khai thác bền vững. Đây là vấn đề được những thành viên của BCRA rất quan tâm, bởi rằng nếu vội vàng trong khai thác mà thiếu những chuẩn bị cơ bản từ hạ tầng, việc đón tiếp khách, đến ý thức người dân, sẽ phá hỏng toàn bộ những “thương hiệu” vốn có mà bạn bè thế giới tạo dựng cho Sơn Đoòng. Bởi thế, khi mô hình công ty khai thác tuyến du lịch Sơn Đoòng ra đời, chính những thành viên của BCRA đứng ra hỗ trợ, Howard cho biết lý do: “Sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ làm du lịch như thuê người dẫn đường, khuân vác hành lý, cung cấp thực phẩm cho những ngày ở rừng… sẽ đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Qua đó, chúng tôi hướng dẫn thêm để người dân có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, hang động, cũng là bảo vệ nguồn lợi cho chính họ. Đó là cách phát triển du lịch bền vững mà chúng tôi mong muốn Quảng Bình thực hiện được”.
Việc hạn chế số lượng người tham quan Sơn Đoòng, đang là việc làm đúng đắn và hợp lý. Mùa cao điểm có trung bình 3.500 du khách nước ngoài đến Phong Nha – Kẻ Bàng, chỉ 8 người trong họ vào Sơn Đoòng. Khi nghe tin có nhà đầu tư định xây cáp treo trong hang Sơn Đoòng với mục đích phục vụ lượng khách đại chúng, Adam – chuyên gia thám hiểm của BCRA trong lần gặp gỡ ở Phong Nha đã cảnh báo: “Biến Sơn Đoòng thành du lịch cộng đồng, với ước mong đạt đến 10.000 du khách mỗi ngày, đi cáp treo xuyên trong lòng hang, hẳn là điều không dễ. Phong Nha chưa đủ phòng ốc, tiện nghi và lượng người làm dịch vụ phục vụ số đông, do vậy nếu du khách muốn tham quan Sơn Đoòng phải ở lại Đồng Hới, đi về mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ. Tính thời gian tham quan trong ngày chỉ còn lại 4 - 6 tiếng, Sơn Đoòng phải chịu tải cho 10.000 người thì đủ hình dung nó sẽ ra sao trong môi trường du lịch kiểu ấy”.
Cũng giống với dãy Hymalaya, hàng năm có đến hơn 25.000 lượt người tìm đến, nhưng trung bình chỉ khoảng 300 người chinh phục được, với chi phí chuyến đi từ 60 – 80 ngàn đôla/người, quá dư để có thể thuê riêng một chiếc trực thăng bay thẳng lên đỉnh Everest thay vì phải nhọc công chinh phục, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống. Riêng với Sơn Đoòng, nếu làm cáp treo xuyên trong lòng hang, lượng du khách đến hàng năm không giới hạn, con số báo cáo của ngành du lịch sẽ thật hấp dẫn, nhưng một khi những vẻ đẹp tự nhiên bị can thiệp, đẳng cấp, giá trị, cùng yếu tố mạo hiểm, thám hiểm vốn có của Sơn Đoòng, sẽ chỉ là dĩ vãng.
Xây dựng cáp treo trong Sơn Đoòng, nghĩa là can thiệp trực tiếp vào vùng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Để nhận được danh hiệu Di sản thiên nhiên và giữ vững danh hiệu ấy, nghĩa là phải bảo tồn nguyên trạng theo tự nhiên, nếu không, tuỳ vào mức độ can thiệp sẽ bị Uỷ ban di sản tước danh hiệu. Theo công ước Di sản thế giới 1972, Di sản thiên nhiên bị đe dọa và gặp nguy hiểm khi có sự suy giảm về vẻ đẹp tự nhiên gây ra bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự can thiệp thô bạo của con người. Thung lũng sông Elbe thuộc thành phố Dresden, Đức, đã bị rút khỏi danh sách di sản thế giới do xây dựng cây cầu Waldschlösschen trong vùng di sản.
Thương hiệu và đẳng cấp Sơn Đoòng có bền chặt, tồn tại lâu hay không, chính nhờ vào lối khai thác và tận dụng hiệu quả, hợp lý, đúng cách để vẻ đẹp nguyên sơ cùng tiềm năng du lịch mạo hiểm của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh theo lối bền vững, đủ hấp lực lôi cuốn lữ khách từ khắp thế giới, đến, đi và mong muốn trở lại.
Lam Phong