Chỉ mới 9 tháng đầu năm 2011, số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại TPHCM đã trên 155.000 người, tăng hơn 2 lần số lao động thất nghiệp của TPHCM trong năm 2010 và xấp xỉ số lao động thất nghiệp của cả nước trong năm 2010. Bình quân mỗi tháng, TPHCM có trên 17.200 người thất nghiệp, trong khi thị trường đang “khát” lao động.
Thất nghiệp: Thật và ảo
Mới sáng sớm nhưng tại điểm tiếp nhận đăng ký hưởng BHTN chi nhánh Bình Tân đã có hơn 100 người đang chen lấn làm các thủ tục. Chị Hoa, công nhân Công ty Pouyuen, cho biết, chị xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ để chuyển sang làm cho một công ty khác ở KCN Tân Tạo. Mặc dù đã có công việc mới nhưng chị vẫn đăng ký hưởng BHTN. Bởi theo chị, quyền lợi thì mình cứ hưởng.
“Ở đây hầu hết là lao động phổ thông, làm sao có thể thất nghiệp được khi công ty nào cũng kêu thiếu lao động? Nếu thất nghiệp, chúng tôi lấy đâu ra tiền nhà, tiền ăn hàng ngày? Nếu việc đăng ký thuận lợi, tôi sẽ rủ thêm mấy người bạn nghỉ việc đi đăng ký… thất nghiệp”, chị Hoa vô tư nói.
Không riêng gì chị Hoa, nhiều lao động đăng ký hưởng BHTN tại đây đều thừa nhận rằng họ vẫn đi làm nhưng đăng ký hưởng BHTN là vì quyền lợi. “Đã là quyền lợi thì người này rỉ tai người kia xin nghỉ việc, nhảy việc để hưởng BHTN cũng là bình thường”, chị Minh, công nhân KCN Tân Tạo tiết lộ. Quả thật, trên quyết định nghỉ việc của người lao động, hầu hết đều có dòng chữ: “Xét theo yêu cầu của người lao động”.
Tại điểm đăng ký BHTN ở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), người đến đăng ký hưởng BHTN cũng tấp nập không kém. Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại đây cho biết, bình quân mỗi ngày có gần 300 người đến đăng ký. Đầu tháng hay đầu tuần, số lượng người đến đăng ký thất nghiệp tăng đột biến lên trên 500 người.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, cho biết, năm 2010, toàn TPHCM chỉ có khoảng 60.000 lao động đăng ký hưởng BHTN nhưng trong năm 2011, chưa hết 9 tháng đã có trên 155.000 lao động đăng ký hưởng BHTN và trên 120.000 người đã nhận được tiền BHTN với tổng số tiền là trên 300 tỷ đồng.
Pháp luật sơ hở?
Lý giải nguyên nhân lao động đăng ký hưởng BHTN tăng, ông Nguyễn Cao Thắng cho rằng, đó là do chính sách và điều kiện hưởng BHTN thông thoáng, dễ dàng hơn trước. Bên cạnh đó, do nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản và cắt giảm lao động nên không ít lao động chủ động xin nghỉ việc để được hưởng BHTN gây ra tình trạng thất nghiệp ảo. Theo quy định, người lao động khi có đủ 12 tháng đóng BHTN sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc, nghỉ việc. Do đó, những công nhân muốn “nhảy việc” sẽ ồ ạt đi đăng ký, vừa có việc làm mới, vừa được hưởng BHTN. Đây rõ ràng là hành động trục lợi nhưng không xử lý được vì họ vẫn làm đúng luật.
Không ít trường hợp vừa nghỉ việc được vài ngày là tìm được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký để nhận trợ cấp thất nghiệp, trong khi việc giám sát xem họ tìm được việc làm hay chưa trong vòng 15 ngày sau khi đăng ký gần như là việc không thể. Đó là chưa kể không ít trường hợp doanh nghiệp giải quyết cho người lao động rút sổ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng BHTN rồi sau đó được công ty ký hợp đồng trở lại. Trong khi đó, cũng có khá nhiều người thất nghiệp thực sự lại không được hưởng chính sách vì doanh nghiệp còn nợ BHXH, chưa thể trả sổ cho lao động.
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách, BHXH Việt Nam, cho rằng, hiện tượng đăng ký hưởng BHTN gia tăng bất bình thường như thời gian qua cần phải nghiên cứu lại. Hiện mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động là 1%, người lao động 1% và Nhà nước hỗ trợ 1%. Do mức đóng thấp nên nhiều lao động không thất nghiệp thực sự vẫn đăng ký hưởng BHTN.
Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để trục lợi BHTN. Trường hợp người lao động chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này, sau đó lại trở lại chính doanh nghiệp đó làm việc hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp khác chính là chủ động mất việc làm. Theo quy định, lao động thất nghiệp đáng lẽ ra sẽ nhận sự hỗ trợ việc làm miễn phí hay nhận trợ cấp học nghề trong 6 tháng nhưng ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, xác nhận, đến nay chưa một lao động thất nghiệp nào nhận tiền hỗ trợ học nghề.
Nên chăng, cần quy định cụ thể như thế nào là thất nghiệp và có nên xem trường hợp tự xin nghỉ việc là người thất nghiệp hay không?
HỒ THU