Đăng ký xét tuyển đại học: Xác định đam mê, lựa chọn tương lai cho mình

Từ nay đến 17 giờ ngày 20-8, thí sinh (TS) sẽ đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học của tất cả các phương thức lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. TS khi xác định và đăng ký NV xét tuyển cần theo nguyên tắc lựa chọn nghề mà mình yêu thích, tương ứng với ngành, bậc học và với phương thức xét tuyển nào để đáp ứng được NV của mình.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Phải tuân thủ quy định 

Hiện nay, có một số TS và phụ huynh nghĩ rằng đã có điểm đủ điều kiện trúng tuyển và bắt buộc phải đăng ký và nhập học theo ngành mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển... là chưa đúng với quy chế của bộ. TS được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển một NV nhất định, TS tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên NV khi đăng ký trên hệ thống.

Theo quy chế tuyển sinh, TS đã đủ điều kiện trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm, nếu muốn xác định trúng tuyển và nhập học cần đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ và sắp xếp để ngành mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển là NV 1 trên hệ thống.

Nếu TS không đưa ngành mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển hoặc ghi sai mã trường, mã ngành khác trở thành NV1, thì trong quá trình xét tuyển, nếu TS đã trúng tuyển ngành là NV1 sẽ không được xem xét tiếp ở các NV. Và như vậy, TS không có cơ hội trúng tuyển ngành mà mình đã đủ điều kiện ở phương thức xét tuyển sớm. Vì vậy, TS cần hết sức lưu ý và thực hiện đúng, chính xác các thao tác, mã ngành, mã trường… trên hệ thống.

Việc tìm hiểu và hiểu rõ về công việc, nghề nghiệp trong tương lai cũng như các ngành, trường đào tạo nghề này rất quan trọng. Trước khi lựa chọn một ngành, nghề nào đó TS cần phải hiểu rõ bản thân, năng lực, sở trường và sự yêu thích, phù hợp của bản thân là yếu tố hàng đầu để quyết định xét tuyển vào ngành đó.

Không nên vì chạy theo xu hướng mà chọn nghề mình không có khả năng hoặc không thật sự yêu thích. Nghề nghiệp là thứ gắn bó với chúng ta rất lâu dài, nếu chọn nghề “hot” mà không phù hợp với điều kiện của bản thân thì trong tương lai, rất có thể bạn sẽ phải bỏ nghề do thiếu năng lực hoặc do chán nản với công việc của mình. 

Nguyên tắc vàng khi chọn ngành nghề

Đầu tiên là sự yêu thích, đam mê của bản thân. Khi TS cảm thấy yêu thích, thậm chí đam mê một nghề nào đó, các bạn sẽ có động lực tự thân để nỗ lực hết mình học tập và vượt qua các khó khăn để thành công. Nếu TS không dựa trên đam mê và sở thích của mình, chọn đại một ngành/trường chỉ để đậu đại học và có tấm bằng cử nhân thì bạn không đủ động lực để vượt qua các khó khăn, trở ngại trong tương lai khi hoạt động nghề nghiệp.

Ngược lại, nếu có đam mê, yêu thích thì không những hoàn thành tốt công việc mà bạn luôn có xu hướng tìm tòi, học hỏi để công việc được tốt hơn, khắc phục các khó khăn gặp phải khi hoạt động nghề nghiệp.

Tiếp theo là năng lực và sở trường của bản thân. Để thành công trong nghề nghiệp, ngoài sự yêu thích và đam mê là chưa đủ. Một vấn đề rất quan trọng là năng lực và sở trường của bản thân. Chính vì vậy, trước khi lựa chọn ngành nghề, TS cần hiểu rõ mình có năng lực gì, sở trường của mình là gì, có phù hợp với ngành, nghề mà mình lựa chọn hay không? TS không lựa chọn ngành, nghề theo phong trào, theo ý muốn của người khác hoặc lựa chọn chỉ vì thích!

Kế đến là nhu cầu của xã hội hay độ “hot” của ngành, nghề. Nhu cầu về lao động của các ngành, nghề thường biến động theo sự phát triển của kinh tế và xã hội. Vì vậy, việc tìm hiểu nhu cầu xã hội về các ngành nghề là rất quan trọng, đặc biệt các bạn phải quan tâm đến các dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Việc này, chỉ riêng TS sẽ khó nắm được mà cần có sự tư vấn, hỗ trợ từ phụ huynh, thầy cô và các chuyên gia hướng nghiệp.

Cần phân tích để đưa ra dự báo về ngành, nghề lựa chọn trong 5-10 năm nữa nhu cầu nhân lực sẽ ra sao? Nếu hiện nay ngành này đang “hot” nhưng lực lượng lao động đã sắp bão hòa thì liệu 5-10 năm nữa còn “hot” hay không? Do đó, TS và gia đình cần tìm hiểu thông tin, xem xét nhu cầu lao động của ngành, nghề mà mình sẽ lựa chọn để đăng ký xét tuyển phù hợp nhất.

 Đăng ký xét tuyển đại học: Xác định đam mê, lựa chọn tương lai cho mình ảnh 1 Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Các yếu tố phù hợp khác. Ngoài đam mê, yêu thích, năng lực sở trường và nhu cầu lao động trong tương lai thì các yếu tố phù hợp khác như sức khỏe, ngoại hình và điều kiện gia đình cũng là những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn ngành nghề. Có những ngành nghề TS rất yêu thích nhưng cần sức khỏe tốt hoặc ngoại hình phù hợp như phi công, cảnh sát hoặc các trường quân đội thì các bạn phải hết sức lưu ý để không bị… trượt oan hoặc theo không kịp khi học tập.

Ngoài ra, gia đình là một yếu tố chi phối rất lớn khi TS lựa chọn nghề nghiệp. Các bạn không lựa chọn ngành nghề không phù hợp bản thân chỉ để làm hài lòng phụ huynh, nhưng các bạn phải xem sự phù hợp của điều kiện gia đình, lời khuyên của người thân đã hoạt động trong các lĩnh vực này để quyết định xét tuyển ngành, nghề nào và trường nào phù hợp nhất. 

Tuy nhiên, khi quyết định lựa chọn ngành nghề, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chính bạn. Do đó, chính các bạn phải xác định rõ mục tiêu, niềm đam mê và sự phù hợp của bản thân. Dù là ngành, nghề nào thì nếu bạn giỏi trong lĩnh vực đó, bạn vẫn là người thành công và sớm tìm được chỗ đứng trong ngành, nghề đó.

Điều quan trọng nhất là các bạn phải xác định tinh thần học hỏi, khát khao tự phát triển bản thân, trở thành nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực của mình. Với việc trở thành một nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, dù bạn có theo những ngành nghề bị coi là “bão hòa” hay dư thừa lao động, cơ hội việc làm và thành công vẫn luôn rộng mở với bạn.

Tin cùng chuyên mục