Mấy ngày qua, hàng trăm ngàn sĩ tử trên cả nước đã hoàn thành đợt thi đầu tiên và đang chuẩn bị bước vào đợt thi thứ hai, tranh tài, đọ sức để tìm một tấm vé vào đại học (ĐH). Sau những ngày dùi mài kinh sử, mỗi sĩ tử đều ôm ấp hoài bão, niềm tin vào tương lai. Đồng hành với các sĩ tử ở các tỉnh xa đổ về các thành phố lớn thi cử là những ông bố, bà mẹ ở thôn quê chân lấm tay bùn, suốt đời chịu cực để vun đắp con chữ cho con cái.
Và câu chuyện về người cha nghèo - dân tộc Tày (Cao Bằng) bất chấp hiểm nguy, leo lên những hốc núi cao để bắt 10 chú chim sáo bán làm lộ phí đưa con xuống Hà Nội dự thi khiến chúng ta cảm động, sống mũi cay xè. Để bắt những chú chim rừng quý hiếm này bán được số tiền 3,5 triệu đồng, ông phải leo lên những vách núi đá cao dựng đứng như những tòa nhà cao tầng và nếu chẳng may sơ sẩy có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Ước mơ, khát vọng cháy bỏng của ông là mong sao con trai mình đậu ĐH, có tấm bằng cử nhân để dễ tìm việc làm, thoát nghèo.
Câu chuyện cha mẹ sẵn sàng đánh đổi tất cả cho tương lai con cái kể cả mạng sống của mình như người cha nghèo ở vùng cao này không phải cá biệt. Trong mùa thi ĐH năm nay và những năm trước, luôn có hàng ngàn gia đình nghèo phải chắt chiu từng đồng hoặc phải bán lúa, bán heo bò, vay mượn tiền bạc để làm lộ phí cho con đi thi. Cánh cửa ĐH thì hẹp nhưng khát vọng thi đậu lại quá lớn và nó đè nặng trên đôi vai của nhiều sĩ tử nghèo.
Họ không chỉ gánh ước mơ cho bản thân mà còn mang theo hy vọng cho cả gia đình, dòng họ. Bức tranh vượt khó ham học này minh chứng tinh thần hiếu học, khát khao chạm đến đỉnh cao tri thức của người dân Việt thật đáng tự hào. Vậy chúng ta phải làm gì để tiếp sức, thắp sáng ngọn đuốc hiếu học này?
Tiêu chí đầu tiên cần phải nhắc đến trong kỳ thi quốc gia để chọn lọc được những người xứng đáng bước vào bậc học đào tạo trình độ cao là sự nghiêm túc, công bằng, đánh giá đúng năng lực của người học. Như thế, mọi sự gian lận trong thi cử phải bị loại bỏ để những thí sinh thực học, có nền tảng tri thức vững chắc tự tin bước vào bậc học cao hơn, đòi hỏi kỹ năng, tư duy độc lập, sáng tạo nhiều hơn.
Thi cử đã khó và những ai may mắn cầm được tấm vé bước vào cổng trường ĐH sẽ phải tiếp tục chặng đường dài đầy khó khăn, thử thách trên giảng đường. Để đồng hành với tương lai của con cái, nhiều gia đình nghèo lại bươn chải, chắt chiu từng đồng tiền nặng mồ hôi, nước mắt để đóng học phí, giúp con trang trải cuộc sống nơi thành thị. Khó mấy, khổ mấy họ cũng vượt qua và chỉ mong đến ngày con cái tốt nghiệp ra trường cầm trong tay tấm bằng kỹ sư, cử nhân để có việc làm, thu nhập ổn định - giúp gia đình thoát nghèo.
Thế nhưng, hy vọng tràn trề này đang đối nghịch với nhiều nỗi lo trước bức tranh việc làm với nhiều gam tối như hiện nay. Báo cáo mới nhất của Bộ LĐTB-XH về thị trường lao động Việt Nam quý 2-2014 đưa ra con số giật mình, có hơn 241.000 lao động trình độ cao thất nghiệp, trong đó trình độ ĐH trở lên chiếm trên 162.000 người. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng là do chất lượng đào tạo ở các trường ĐH-CĐ không đạt và “sản phẩm” giáo dục chưa thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Thực tế cho thấy, mỗi cử nhân thất nghiệp là một sự lãng phí tiền của, công sức của gia đình và xã hội. Xin đừng để những khát vọng vươn đến tầm cao tri thức bị mai một vì chất lượng đào tạo ở bậc ĐH-CĐ chậm đổi mới, cho ra những “sản phẩm” giáo dục “bị lỗi”. Hơn nữa, để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường thì các chính sách phát triển thị trường lao động, tạo thêm nhiều chỗ làm việc, thu hút nhân lực chất lượng cao phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo sự công bằng.
Có như thế, người dân, nhất là người nghèo không phải còng lưng cõng giấc mơ vào ĐH, rồi lại thất vọng vì trắng tay.
KHÁNH BÌNH