Đáng tiếc hay đáng trách?

Với tất cả chúng ta, vụ bệnh nhân bị bác sĩ cắt hai quả thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thật sự giống như vết cắt xoáy sâu vào tâm khảm, làm dấy lên sự hoài nghi và mặc cảm về y đức và chất lượng khám chữa bệnh chung của ngành y tế. Để hiểu rõ hơn, tôi có hỏi một giáo sư thuộc hàng có tiếng tăm rằng vụ này nó ra sao, do tay nghề, do sơ suất, do đạo đức nghề nghiệp hay tại số má nó vậy thì phải vậy…?. Ông trầm ngâm một lúc rồi nói thật rằng bác sĩ trưởng kíp mổ hôm đó là một đồng nghiệp đáng kính và có uy tín trong nghề. Còn ông thì ông không thể hiểu tại sao chuyện lại xảy ra và có khi thuần túy là “tai nạn nghề nghiệp” như từng có trong mọi ngành nghề khác. Tất nhiên, đồng nghiệp thì khó phê phán nhau, nhưng ông cũng không khỏi chạnh lòng khi môi trường làm việc của mình “đang có vấn đề” và từ đó dư luận có cái nhìn thành kiến về nghề thầy thuốc với Tâm Đức đặt nặng trên tất thảy.

Như người ta thường nói, cái gì cũng có hai mặt và phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, từ nhiều phía. Đối với ngành y tế, một điều không thể phủ nhận, chúng ta có những tiến bộ lớn, tiệm cận được các kỹ thuật mới nhất và gần như làm chủ được các ca phẫu thuật khó nhất.

Như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu từng kể trên diễn đàn Quốc hội rằng có đại biểu mấy hôm trước vừa đi đặt stent động mạch ở bệnh viện trong nước với giá rẻ hơn nhiều lần so với thực hiện thủ thuật này ở nước ngoài nhưng chất lượng thì miễn chê, thể hiện qua việc đại biểu đó vẫn phát biểu, chất vấn “rất hùng hồn”.

Song có phải ai cũng tiếp cận được những dịch vụ chất lượng cao và đội ngũ thầy thuốc có tay nghề? Một trong những nguyên nhân khiến ngành y tế bị kêu ca nhiều nhất là sự quá tải trầm trọng và gần như không có giải pháp đột phá nào khả dĩ cải thiện được tình hình. Mà đúng là xoay xở sao được khi sự thể hiện của nó thật muôn hình vạn trạng từ cơ sở vật chất cũ kỹ, người bệnh nằm xếp lớp như cá trong hộp thiếc, đến khám bệnh “siêu tốc” mỗi người chỉ được hưởng dịch vụ có 1 - 2 phút…, và tất cả đều là những chuyện “khổ lắm, nói mãi!”, ai cũng thấy, ai cũng biết. Chính từ đó người ta mới lý giải cái y đức tất yếu cũng phải “xuống cấp” theo. Đến mức, 5 bệnh viện lớn nhất ở Hà Nội cùng phải cam kết “nói không với phong bì” – một tệ nạn tồn tại công khai ở nơi cần nhiều nhất tình người. Nhưng có cách nào người thầy thuốc giữ được màu trắng tinh khôi của chiếc áo blouse? Dĩ nhiên, cách tốt nhất vẫn là phải đảm bảo sống được bằng nghề. Chúng ta không thể nói chung chung rằng chất lượng dịch vụ tốt nhưng nhất thiết giá phải rẻ và… miễn phí nữa càng tốt. Nếu không thì chắc là… y đức có vấn đề.

Một bác sĩ tâm sự rằng chỗ tôi nó xộc xệch như vậy, nhưng kêu gọi đầu tư từ bên ngoài thì lại sợ vướng “ông y đức”. Đúng là khổ trăm bề. Và ngành y tế cũng không thoát được “quy luật thị trường” với tính hai mặt của nó.

Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới trình dự thảo tăng viện phí với khoảng 350 dịch vụ y tế thì đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ với ý kiến cho rằng cần tính toán thật kỹ trước khi áp dụng nếu không sẽ tạo “lỗ hổng” cho những kẻ cơ hội “đục nước béo cò” coi người bệnh là những miếng mồi để “mần thịt”. Thật ra, cũng có thể có chuyện này nhưng nhìn toàn cục đó là điều cần làm vì lợi ích chung, trong đó có y đức.

Vấn đề nữa đặt ra là tăng lương tiền có làm tăng theo lương tâm nghề nghiệp? Đó là một câu hỏi khó tuy ai cũng muốn tăng thu nhập. Phải nói rằng phạm trù đạo đức là không thể cân đong, quy chuẩn ra đồng tiền được. Và ngành nào cũng cần Đức chứ không riêng ngành y. Thực tế cho thấy tuyệt đại đa số những người bước vào ngành nhạy cảm nhất này đều coi trọng lời thề Hyppocrates với sự tự trọng và ý thức trách nhiệm trước sức khỏe con người. Tuy có khá nhiều chuyện đau lòng vì sự tắc trách, về thói ứng xử, giao tiếp và kể cả chuyện có “lót tay” thì “lương y” mới như “từ mẫu” được, nhưng không thể quy chụp sự suy đồi đạo đức cho đội ngũ những người đang phụng sự cho sự nghiệp thiêng liêng nhất. Và từ đó vụ việc xảy ra ở Cần Thơ cần có cái nhìn thấu đáo – đó là vô trách nhiệm hay sơ suất nghề nghiệp? Nếu chúng ta không làm rõ thì ai sẽ còn dám cầm dao phẫu thuật khi bệnh tình buộc phải phẫu thuật mới có cơ may sống sót?

Và chỉ có sự dũng cảm dám làm, dám chịu mới có thể giúp chúng ta vượt qua sự “quá tải” chung…

Bích An

Tin cùng chuyên mục