Quốc hội Indonesia vừa thông qua Bộ luật Thương mại toàn diện. Bất chấp sự phản đối và chỉ trích từ nhiều quốc gia phát triển là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Indonesia vẫn ưu tiên bảo vệ lợi ích nền sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Từ nay, Chính phủ Indonesia được hợp pháp bảo vệ các ngành nghề và thị trường trong nước thông qua hạn chế xuất nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên Indonesia khẳng định rõ lập trường không hoàn toàn chấp nhận tự do thương mại kể từ khi đảo quốc này gia nhập WTO năm 1995.
Indonesia không ngại những vụ kiện trước WTO. Đầu năm 2013, Mỹ đã gửi đơn kiện Indonesia lên WTO do nước này cắt giảm đến 91% hạn ngạch nhập khẩu các loại thịt đông lạnh từ Mỹ. Nhật Bản cũng từng khiếu nại WTO vì quyết định hạn chế xuất khẩu quặng của Indonesia. Australia, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu (EU)… cũng đã gặp những vấn đề tương tự với Indonesia. Các nhà lãnh đạo Indonesia lập luận rằng cần hạn chế xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng và nhập khẩu thực phẩm để phát triển, đa dạng hóa các mặt hàng nội địa, thúc đẩy khả năng sản xuất. tất cả vì mục đích nền kinh tế hạn chế phụ thuộc vào thương mại nước ngoài.
Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ, thiếc, quặng niken lớn nhất thế giới. Tháng trước, chính phủ nước này đã ra lệnh ngừng xây mới những lò nấu kim loại. Chảy máu nguyên liệu thô đang là bài toán vấn đề nan giải đối với nền kinh tế Indonesia. Nó giết chết các nhà sản xuất trong nước và làm cho quốc gia này dính chặt với cái bẫy thu nhập trung bình, vốn thường xảy ra với các nền kinh tế đang phát triển khi mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống do bất lợi so với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ hiện đại, hay với các nền kinh tế sản xuất hàng hóa giá rẻ. Những năm gần đây, Indonesia đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ngoạn mục, được xem là thị trường nội địa lớn nhất và đầy hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, mặt trái của tăng trưởng kinh tế nhanh là ô nhiễm môi trường, gia tăng khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, thiếu các trang thiết bị trong lĩnh vực y tế và an sinh xã hội…
Một trong các nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO là khuyến khích các nước thành viên hạ thấp rào cản thương mại và tạo điều kiện cho giao dịch thương mại được thực hiện tự do hơn. Việc hạ thấp các rào cản thương mại đến mức nào là do các nước thành viên thương lượng. Quyết định đơn phương của Indonesia làm những quốc gia phát triển càng nóng lòng. Với nền kinh tế thế giới đang từng bước hồi phục, nhất là với các quốc gia thành viên EU đang nhích từng bước để giành lấy thị trường, vực dậy thoát nợ công thì lại càng cần tự do thương mại từ các nước đang phát triển. Việc Indonesia chủ động đưa ra Bộ luật Thương mại toàn diện nhằm bảo hộ thương mại được cho là một bước đi mạo hiểm. Mạo hiểm vì nó “đánh cược” giữa quyền lợi số đông là hàng triệu người lao động nghèo Indonesia với tiếng nói của quốc gia này trên thị trường kinh tế toàn cầu.
Năm 2014 là năm chuyển giao quyền lực chính trị quan trọng với hai cuộc bầu cử Hạ viện và Tổng thống ở Indonesia. Người dân đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào một chương mới trong lịch sử đất nước. Làm sao vừa giữ vững danh hiệu là một trong những nước có nền kinh tế phát triển sôi động nhất châu Á, lại vừa bảo đảm phát triển bền vững? Đó là bài toán khó cho lãnh đạo Indonesia ở “thời điểm vàng” này.
NHƯ QUỲNH