Qua những vụ tham nhũng, tiêu cực lớn xảy ra ở Vinalines, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa qua, hay gần đây là vụ lãnh đạo ở 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM nhận lương “khủng”, dư luận một lần nữa cho rằng, khi bổ nhiệm cán bộ, các đơn vị chưa làm tốt công tác quản lý cán bộ, trong đó khâu yếu nhất là chưa đánh giá đúng trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống trước khi đề bạt, bổ nhiệm.
Đánh giá đúng cán bộ mới sử dụng đúng cán bộ. Ai cũng hiểu điều này nhưng không phải lúc nào những người sử dụng cán bộ cũng thực hiện một cách đầy đủ, khách quan và công tâm theo đúng quy định của Đảng về công tác cán bộ. Cộng vào đó, cấp ủy cấp trên hay cơ quan quản lý cán bộ trực tiếp tỏ ra quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở, thậm chí quá tin vào cấp dưới, để cho nhiều người không đủ tiêu chuẩn, trình độ và năng lực tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý.
Về phương thức đánh giá cán bộ, cũng cần phải xem xét lại, chẳng hạn nhiều đơn vị vẫn còn tình trạng thông tin về cán bộ đến cơ quan quản lý hay cơ quan cấp trên không chính xác do bị thổi phồng hoặc bị xuyên tạc; vẫn còn thói quen đánh giá cán bộ qua “cái nhìn bằng trực giác” hay đánh giá theo những “tiêu chuẩn bắt buộc” (như bằng cấp hoặc căn cứ vào số phiếu tín nhiệm, phiếu bầu hợp lệ…).
Một số ban thường vụ cấp ủy khi thực hiện công tác quy hoạch, đề bạt, điều động cán bộ, hầu như tiếng nói quyết định thuộc về đồng chí bí thư. Nguy hiểm ở chỗ, quyết định cá nhân đó có khi được hợp thức hóa thành trách nhiệm tập thể. Với cách làm vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ như thế, hệ quả là việc đánh giá cán bộ phụ thuộc rất lớn vào “mức độ quan hệ” với bí thư cấp ủy đơn vị công tác.
Chính vì vậy, cần nhanh chóng đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đánh giá cán bộ, trong đó căn cứ chính để đánh giá cán bộ là dựa vào kết quả đạt được trong công tác và đạo đức, lối sống của người cán bộ đó thể hiện ở nơi công tác cũng như nơi cư trú. Trong đánh giá cán bộ, cần sự tỉnh táo, khách quan và chấp hành đầy đủ quy định của Đảng, mà người đứng đầu là đồng chí bí thư. Ví như chuyện phân biệt giữa khuyết điểm và sáng tạo. Sự sáng tạo đôi khi kèm theo sự mạo hiểm của cá nhân, mà nếu đánh giá không đúng, đôi khi vô tình làm hại người tốt hoặc để lọt người sai phạm mà không kịp thời xử lý.
Có không ít trường hợp, người tố cáo tiêu cực của lãnh đạo đơn vị lại bị cấp ủy đơn vị đó đánh giá là gây mất đoàn kết nội bộ… Những trường hợp như thế, đòi hỏi cấp trên phải rất tỉnh táo, sâu sát cơ sở, lắng nghe dư luận quần chúng và thu thập nhiều chứng cứ để có cái nhìn đầy đủ, chính xác về cán bộ. Đó cũng là cơ sở để lãnh đạo cấp trên thẩm định ngay cả bản “đánh giá cán bộ” của cấp ủy cấp dưới.
HUỲNH ĐẠT