Đánh giá kỹ hơn các vụ án “dân kiện quan”

- Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 21-3 tới
Đánh giá kỹ hơn các vụ án “dân kiện quan”

- Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 21-3 tới

(SGGPO).- Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 25-2, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Theo người đứng đầu ngành Tòa án, từ năm 2011-2015, các Toà án trong cả nước đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến các vụ án PMU18; vụ án Hà Nguyên Cát tại Công ty cao su Phú Riềng, Bình Phước; vụ án Phạm Thanh Bình tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Việt Hùng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Đức Kiên… Đặc biệt, trong năm 2015, các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm về tham nhũng phải đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo nêu trên cũng đã thừa nhận những mặt hạn chế, tồn tại của ngành Tòa án. Một số Tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa án. Ở một số đơn vị, công tác quản lý, điều hành hoạt động chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, khoa học; kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm; vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và thậm chí vi phạm pháp luật…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua vẫn còn để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã khẩn trương chỉ đạo khắc phục.

Góp ý cho Báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện ghi nhận, Tòa án các cấp đã đặc biệt chú trọng đến chất lượng xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua. Hình phạt mà Tòa án tuyên phạt với các bị cáo cơ bản bảo đảm chính sách hình sự của Nhà nước ta là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, lập công chuộc tội, thành khẩn khai báo, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tán thành với nhận định trên, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, dư luận vẫn còn "kêu" nhiều về công tác xét xử của tòa án trong nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng. Án hành chính, nói nôm na là “dân kiện quan” -  khi người có chức trách ban hành những quyết định hành chính xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức, cũng là một vấn đề cần đánh giá kỹ hơn, góp phần xây dựng niềm tin về công lý cho người dân…

Bế mạc phiên họp của UBTVQH: Chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thứ 11 của Quốc hội 

Cuối buổi sáng 25-2, phiên họp thứ 45 của UBTVQH đã bế mạc sau khi hoàn thành chương trình nghị sự.

Đánh giá kỹ hơn các vụ án “dân kiện quan” ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp thứ 45 của UBTVQH

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng phải tập trung, làm hết trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ để chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ chính thức khai mạc vào ngày 21-3 tới.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề cụ thể: xây dựng pháp luật; phương hướng phát triển kinh tế - xã hội; tổng kết hoạt động nhiệm kỳ XIII và công tác nhân sự.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục