Đánh giá nhiệm kỳ 4 năm của Quốc hội khóa XII - Nâng cao hiệu quả thực tế của công tác giám sát

Đánh giá nhiệm kỳ 4 năm của Quốc hội khóa XII - Nâng cao hiệu quả thực tế của công tác giám sát

(SGGP). – Tuy nhiệm kỳ chỉ có 4 năm (rút ngắn 1 năm so với các khóa trước) nhưng Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải cho rằng, QH khóa XII đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ở công tác lập pháp, 64 luật đã được thông qua (chưa kể 4 luật sẽ thông qua vào cuối kỳ họp này), trong đó nhiều dự án có chất lượng, hiệu quả cao. Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn phân tích, trong nhiệm kỳ vẫn còn tình trạng QH không chủ động được việc làm luật, mà tùy thuộc vào sự chuẩn bị của Chính phủ. Tình trạng đưa vào rồi rút ra một dự luật nào đó vẫn còn khá phổ biến. Đơn cử, dự án sửa Luật Đất đai, ngay từ đầu khóa đã được nhiều ĐB đề nghị đưa vào chương trình, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. “Những kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực này đã khiến một số nhóm lợi ích giàu lên rất nhanh, nhưng người dân chịu nhiều thiệt thòi, bức xúc”, ĐB Hải nhận xét.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) khẳng định, hoạt động của QH đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến các cơ quan dân cử địa phương. Những cải tiến nhỏ lại có thể mang đến hiệu quả lớn. 6 giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ này đều đưa ra được những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, việc chưa có chế tài hậu giám sát đã làm hạn chế hiệu quả của hoạt động này.

Cũng liên quan đến mảng công tác giám sát, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc), Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, công tác này tuy đã có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế. Ông Đào đề nghị thay đổi cơ chế để các ủy ban đều có quyền giám sát các bộ trưởng, tăng cường vai trò của ĐBQH với cơ quan hành pháp. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) tán thành nhận xét này. Ông nói: “Ở nước ngoài, một ĐB có thể hẹn lịch làm việc riêng với bộ trưởng và nội dung cuộc làm việc sẽ được công bố với báo giới. Ở ta thì chưa làm được vì thiếu thông tin, thiếu bộ máy hỗ trợ”. ĐB Quyền thẳng thắn nhận xét, QH chưa thể làm hết những chức năng nhiệm vụ theo hiến pháp.

Lý giải phần nào những nhược điểm trên, ĐB Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng cơ cấu bộ máy hiện nay của QH khiến các ủy ban không thể kham hết việc. Ông Long dẫn chứng, có những UB phạm vi hoạt động 8 - 9 bộ, nhưng chỉ có tối đa khoảng 20 người, “không bằng biên chế của một vụ thuộc bộ, làm thế nào mà UB giám sát hết được”? Đây có thể coi như tự QH “buộc tay” mình. Đáng lưu ý là quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bao nhiêu kỳ họp qua, QH chưa hề tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, bộ trưởng hoặc thành viên Chính phủ. Hậu quả tất yếu là hiệu quả, hiệu lực hoạt động của QH chưa cao như mong muốn.

Cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán độc lập, chiều 24-3, nhiều ý kiến ĐB quan tâm đến việc cho phép các doanh nghiệp, tổ chức được thành lập công ty kiểm toán trực thuộc hay không. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nêu: “Tôi đề nghị không cho doanh nghiệp góp vốn lập công ty kiểm toán trực thuộc, bởi rất dễ dẫn đến tình trạng nể nang các công ty con cháu, dễ nảy sinh tiêu cực, kết quả kiểm toán không khách quan. Hiện ngành kiểm toán chưa phát triển mạnh, không phải vì thiếu vốn đầu tư cho các công ty ấy mà là do không có người đủ trình độ, năng lực. Vấn đề này nên để QH biểu quyết”.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trần tình: “Bản thân tôi và Chính phủ cũng có quan điểm như đồng chí Trần Du Lịch, tức là không cho tổ chức, doanh nghiệp tham gia thành lập công ty kiểm toán. Đây chính là trường hợp đã xảy ra đối với Vinashin, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta đã biết. Nhưng tôi đã không bảo vệ được ý kiến này”… ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) và một số ĐB khác nhất trí với dự thảo Luật về việc trước mắt, Bộ Tài chính là cơ quan cấp chứng chỉ kiểm toán viên, nhưng đề nghị về lâu dài, khi hội nghề nghiệp đã được thành lập và hoạt động ổn định, giao việc này cho hội.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Ủy ban Thường vụ QH cân nhắc kỹ các vấn đề ĐB nêu và cho biết sẽ gửi phiếu xin ý kiến ĐB về một số vấn đề quan trọng trong dự luật trước khi trình QH thông qua vào cuối kỳ họp này.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục