Dành khoảng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất ​

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đang xem xét tổng thể gói kích cầu này, riêng Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách tài khoá, như có thể dành từ 10.000 đến 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bên hành lang Quốc hội sáng 28-10.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đang xem xét tổng thể gói kích cầu này, riêng Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách tài khoá như có thể dành từ 10.000 đến 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm.

Vẫn theo ông Hồ Đức Phớc, về nguồn tiền, Bộ Tài chính dự kiến sẽ phát hành công trái hoặc là trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước. Bên cạnh đó, dự kiến cũng sẽ có nguồn tăng thu từ nền tảng số, chống chuyển giá, trốn thuế, thắt chặt chi tiêu, giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% công tác phí…

“Hiện nay vẫn đang còn ở giai đoạn thiết kế, tổng số gói kích cầu là bao nhiêu thì do cơ quan có thẩm quyền quyết”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rõ. Về ý kiến một số chuyên gia cho rằng giai đoạn hiện nay không nên khoá cứng trần nợ công và bội chi, ông Phớc nói bội chi theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong cả quá trình trong giai đoạn 5 năm phải thực hiện bội chi là 3,7%. Trong giai đoạn hiện nay, khi áp dụng gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, thì có thể chấp nhận bội chi tăng lên, nhưng khi nền kinh tế phục hồi ổn định, phát triển thì giảm xuống.

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Phú Cường cho biết, hiện chưa nhận được Tờ trình chính thức. Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban TC-NS là tán thành xây dựng gói kích thích đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. “Các chính sách vừa qua đã phát huy tác dụng rất tốt”, ông Nguyễn Phú Cường nhận định.

“Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn giảm các khoản thuế phí, như thuế môi trường. Gói kích thích kinh tế phải vừa kích cung, vừa kích cầu. Về phía cung, cần tìm cách hỗ trợ để chi phí sản xuất kinh doanh giảm xuống; còn phía cầu, cần kích thích tiêu dùng và kích thích đầu tư”, người đứng đầu Ủy ban TC-NS nhấn mạnh.  

Tin cùng chuyên mục