Đánh thức sông Soài Rạp

Đánh thức sông Soài Rạp

Từ trước năm 1862, sông Soài Rạp đã được nhiều nhà hàng hải chú ý và muốn sử dụng làm tuyến vận chuyển từ biển Đông vào Cảng Sài Gòn. Luồng có lòng sông rộng 1 - 2km. Tuyến sông tương đối thẳng nhưng do sông có một số điểm cạn (điểm cạn nhất có độ sâu 5m) nên khi thương cảng Sài Gòn phát triển, số lượng tàu có tải trọng lớn ra vào càng tăng nên đòi hỏi phải có luồng mới sâu hơn.

Đánh thức sông Soài Rạp ảnh 1

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các kỹ sư của PortCoast trong chuyến thị sát luồng Soài Rạp vào tháng 3-2005.

Do đó, luồng Lòng Tàu trở thành tuyến luồng từ biển Đông vào thương cảng Sài Gòn thay cho Soài Rạp. Và luồng Soài Rạp tuy to lớn và bề thế như vậy nhưng gần như bị… lãng quên. Lác đác chỉ có vài con tàu nhỏ dưới 5.000 tấn mới dám mạo hiểm đi qua vào lúc nước lên.

Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (PortCoast) qua nghiên cứu nạo vét thử nghiệm khai thác luồng Soài Rạp phát hiện ra luồng Soài Rạp tuy còn một số điểm cạn ở cửa sông nhưng hình thái của lòng sông, hướng tuyến luồng, độ sâu rất ít thay đổi so với các luồng tuyến khác, chế độ dòng chảy của Soài Rạp cũng luôn ổn định. Và PortCoast đã quyết định thiết kế nạo vét đợt I cho tàu trọng tải 10.000 tấn qua lòng Soài Rạp vào tháng 3-2005 vừa qua.

Lòng sông Soài Rạp tuy còn “đỏng đảnh” với 4 điểm cạn nhưng nếu thông thương được thì tàu bè qua đây để vào các cảng ở Sài Gòn sẽ gần hơn rất nhiều so với việc tàu phải đi qua sông Lòng Tàu để vào TPHCM như hiện nay. Hơn nữa, đánh thức được Soài Rạp sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho khu công nghiệp Hiệp Phước (Cần Giờ) nằm ngay bên bờ sông phát triển.

ANH NHIÊN - TUỆ MẪN

Tin cùng chuyên mục