“Đảo con”… hát quốc ca

“Đảo con”… hát quốc ca

Giữa đảo xa xôi bập bùng gió thấy trẻ mặc đồng phục hải quân đứng sát nhau hát quốc ca trôi chảy bỗng nghe lòng mênh mang. Các bé là những búp sen xinh, những bát nước mát trưa hè, những đốm lửa hồng soi sáng biển khơi mùa mưa bão… cho bộ đội Trường Sa ngày càng vững tin, luôn chắc tay súng hoàn thành nhiệm vụ.

Không trẻ nào ở Trường Sa biết nói mà không biết hát quốc ca. Hát một cách hăng hái, hồn nhiên và tự nguyện. Sáng đến lớp cùng đứng lên hát; đi qua nơi các chú bộ đội đang làm lễ có hát Quốc ca cũng đứng lại nghiêm trang hát; đảo có khách đến thăm lại càng hăng hái hát…
Thầy Phạm Gia Huy ở đảo Trường Sa vui vẻ cho biết: “Các em hát quốc ca quen rồi, sống gần các chú bộ đội, tác phong như các chú bộ đội”.

Rất đàn chị, bé Phạm Yến Trinh học lớp bốn ở đảo Sinh Tồn thưa: “Đảo con có 12 bạn nhỏ, lớn nhất là chị Trần Thị Thu Hiền học lớp năm, nhỏ nhất là bé Hồ Ý Vy đang được má ẵm ở nhà. Chỉ có Vy là không biết hát quốc ca thôi. Mấy em học mẫu giáo như Nhã Kỳ, Minh Quân, Anh Thảo… đều hát giỏi”. Nhớ cái thời lâu lắm, nhiều người già cũng có một tuổi thơ hát quốc ca như bài hát vỡ lòng để bắt đầu một hành trình nguồn cội cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay…

Mỗi lần được báo có khách ra thăm, các bé ở đảo đều thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng. Chị Trần Thị Ngọc Quý - cư dân đảo Sinh Tồn vuốt vuốt hai bím tóc bé xíu được tết cẩn thận của cô con gái 8 tuổi bảo: “Tóc này được tết từ tối qua, lúc trước khi bé đi ngủ. Tôi nói thôi để sáng mẹ tết cho đẹp mà bé vẫn nhất quyết không chịu, hứa sẽ nằm yên cho đầu tóc thẳng thớm”.

Ngày có khách ra đảo thật sự là ngày hội của các bé. Hồi còi tàu cập bến vang lên, cùng bạn bè, cô bé Đặng Bùi Phương Anh vỗ tay thật to đón khách. Trong mắt cô bé, vị khách nào dưới cầu cảng bước lên cũng mới mẻ và đáng yêu vô cùng! Riêng “hai đồng chí hải quân nhỏ” Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Chinh Si thì háo hức chờ lúc được cô giáo cho phóng xe đạp thả cửa trên con đường thênh thang dẫn ra biển…

Bạn nhỏ Nguyễn Thị My Sen học lớp ba ở đảo Trường Sa kể chuyện cho khách nghe luôn bắt đầu bằng hai từ “đảo con”: Đảo con có 8 bạn nhỏ đến trường, trong đó có thằng Chinh Si quậy nhứt là em con. Đảo con còn có 4 em bé chưa được đi học, em bé nào cũng mắt đen và hét rất to. Đảo con nuôi nhiều gà vịt, lâu lâu mấy nhà góp mấy con đó lại, làm thịt ăn chung rất vui. Đảo con có nhiều trò chơi vui lắm: lò cò, bắn bi, nhảy dây, đá cầu, chơi ô ăn quan… Các bạn luôn chơi với nhau rất thân tình, chơi hoài không bao giờ chán, không bao giờ cự lộn. Con sợ nhứt là mai mốt lên lớp sáu phải vô đất liền học, bỏ “đảo con” lại một mình…

“Đảo con”… hát quốc ca ảnh 1

Đoàn “Góp đá xây Trường Sa” phát quà cho trẻ trên đảo Sinh Tồn.

Lớn lên từ “đảo con”, các bé ở Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây… luôn hồn nhiên, trong lành như ngàn hoa nội cỏ. Mai này về đất liền tiếp tục con đường học vấn, các bé như vừa bước ra từ pho truyện đồng thoại để hòa nhập những điều mới lạ. Bên cạnh điều kiện học hành hiện đại hơn, chất lượng sống tốt hơn… lại phải đối mặt với vấn nạn học thêm sáng trưa chiều tối, học mờ mắt, học thở không ra hơi; chuyện chơi cũng không loại trừ ám ảnh sẽ trở thành những “game thủ” thức trắng đêm nhưng không thấy đêm dài. Lo lắng thay!

Cho nên, dù cuộc sống “đảo con” không hiện đại như ở trong bờ nhưng “đảo con” vẫn là bức tranh thơ bé trong lành…

Từ bức tranh thơ bé trong lành ấy, những thiên thần nhỏ My Sen, Chinh Si, Anh Đức, Thu Hiền, Yến Trinh, Trúc Nữ, Trọng Nghĩa… là những búp sen xinh, những bát nước mát trưa hè, những đốm lửa hồng soi sáng biển khơi mùa mưa bão… cho bộ đội Trường Sa ngày càng vững tin, luôn chắc tay súng hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn biển đảo yêu thương…

NGUYỄN THU TRÂN

Tin cùng chuyên mục