Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường: Làm phim cần có cảm xúc và nhân văn

“Từ xưa đến nay khi làm bất cứ bộ phim nào, tôi chưa bao giờ thấy hài lòng với chính mình. Tôi luôn thấy còn thiếu sót và nghĩ mình có thể làm tốt hơn”. Đó luôn là cảm giác của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường sau khi hoàn thành mỗi dự án. 
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường (bên phải) chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong Nhà không bán
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường (bên phải) chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong Nhà không bán

PHÓNG VIÊN: Lần đầu tiên thực hiện phim chiếu tết, với anh có là một áp lực?

Đạo diễn HOÀNG TUẤN CƯỜNG: Tôi luôn xác định dù làm bất cứ bộ phim nào, áp lực luôn tồn tại, không hẳn vì phim sẽ phát hành vào dịp tết. Khi làm phim, điều tôi quan tâm đầu tiên là nó có phù hợp với thị hiếu khán giả và đúng ý đồ mình mong muốn truyền tải hay không. Bất cứ tác phẩm nào tôi đều mong nó sẽ dễ thưởng thức, có tính giải trí cao nhưng vẫn có câu chuyện, thông điệp nhân văn. 

Anh gặp khó khăn gì khi thực hiện Nhà không bán?

Bộ phim được tôi lên ý tưởng từ cách đây 6-7 năm. Tôi muốn làm một bộ phim kinh dị, kết hợp yếu tố xưa và nay với câu chuyện chuyến về quê bán nhà của một Việt kiều. Đến năm 2016, tôi mới nhờ biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc phát triển kịch bản hoàn chỉnh. 

Kịch bản chắc chắn là áp lực lớn nhất. Tôi luôn sợ khi mình thai nghén trong thời gian lâu nó sẽ bị cũ, mất đi tính thời sự. Do đó, trong quá trình hoàn thiện tôi cùng chị Minh Ngọc luôn cố gắng bàn bạc, cập nhật để nó mới lạ. Sau kịch bản, áp lực đến từ bài toán diễn viên. Trong phim, các nhân vật được chia thành những tuyến riêng. Trên trường quay không hẳn lúc nào mọi thứ cũng mỹ mãn như trên kịch bản, nhiều thứ phát sinh nên tôi luôn lo lắng những thay đổi ấy có ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem hay không.

     "Nhiều bộ phim tốt nhưng khi ra mắt không được đón nhận vì yếu tố nào đó, đôi khi không thể lý giải. Trong khi có những phim dù không tệ nhưng không hẳn xuất sắc lại thành công. Tôi cho rằng, thành công phòng vé của bộ phim phụ thuộc thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Đạo diễn HOÀNG TUẤN CƯỜNG

Nhìn vào danh sách diễn viên đã công bố, bộ phim dường như đang thiếu một cái tên để thu hút khán giả?

Có ngôi sao phòng vé là điều ai cũng muốn, giúp bộ phim được chú ý. Nhưng nếu phim không hay chắc chắn khán giả không ủng hộ. Tôi luôn muốn khán giả đến với bộ phim vì câu chuyện, chất lượng thay vì phụ thuộc tên tuổi của diễn viên nào đó. 

Ngay từ đầu, khi viết kịch bản tôi đã nhắm nhân vật đó sẽ do ai đảm nhận để phát triển câu chuyện phù hợp. Cũng có 1-2 trường hợp phải thay đổi diễn viên so với dự định ban đầu. Trong quá trình thực hiện, tôi và ê kíp cũng tập trung hết sức vào kịch bản.   

Nếu để nói sự hài lòng và tiếc nuối khi thực hiện dự án này, với anh đó là gì?

Từ xưa đến nay khi làm bất cứ bộ phim nào, tôi chưa bao giờ thấy hài lòng với chính mình. Tôi luôn thấy còn thiếu sót và nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Với Nhà không bán, không phải vì tôi không làm được như mục tiêu đề ra. Có chăng nuối tiếc ở đây chỉ là các yếu tố thiên về kỹ thuật, bối cảnh. Ban đầu, chúng tôi dự định đi các bối cảnh xa để có những khung hình đẹp hơn khi lên phim. Tuy nhiên, do dịch bệnh, mọi thứ thay đổi mình phải thích nghi và chọn phương án tốt nhất. 

Nhìn lại hành trình làm phim, đặc biệt ở lĩnh vực điện ảnh, anh thấy mình đã thay đổi như thế nào? 

Thường sau mỗi dự án, tôi ít khi tự đánh giá hay so sánh bản thân rằng phim này mình làm tốt hơn hay dở hơn phim trước đó. Tôi đợi phim ra mắt một thời gian, lắng nghe những phản hồi của công chúng. Thời điểm thực hiện Xóm trọ 3D xong, tôi cũng không mấy tự tin. Nhưng khi phim ra rạp được đón nhận, thời gian sau khi xem lại tôi quên đi những thiếu sót và cảm nhận điều quan trọng hơn là bộ phim vẫn đạt mục đích truyền tải thông điệp mình mong muốn. Cảm giác lo lắng, hồi hộp, thấy thiếu và muốn làm được nhiều hơn vẫn luôn ở đó.  

Tên tuổi của anh gắn liền với nhiều phim truyền hình, khi bước sang lĩnh vực điện ảnh, anh nghĩ mình gặp rào cản nào? 

Phim truyền hình và điện ảnh đều có ngôn ngữ thể hiện riêng và không thể nói lĩnh vực nào dễ hay khó hơn. Điện ảnh không cho phép kể câu chuyện dài dòng mà phải gọn, súc tích để lôi kéo khán giả. Câu chuyện cũng phải được thể hiện mạch lạc vì nhà làm phim thường chỉ có 90 phút để truyền tải điều đó. Với tôi, từng khung hình phải được trau chuốt, chỉn chu nhất có thể. Làm điện ảnh chắc chắn rất cực nhưng thỏa sức sáng tạo và được làm những thứ không thực hiện được như ở truyền hình.

Còn với truyền hình, câu chuyện tiến độ là khó khăn lớn. Mỗi tập phim nếu không có câu chuyện, vấn đề, diễn xuất của diễn viên không đủ thuyết phục, đừng mong khán giả ngồi theo dõi 45 phút.  

Với các phim đã thực hiện, theo anh khi nhắc đến tên tuổi của mình điều gì sẽ đọng lại trong lòng khán giả?

Đó là cảm xúc. Tôi luôn đặt mục tiêu đầu tiên, phim của mình từ kịch bản, câu chuyện, nhân vật… dù thuộc thể loại nào phải tạo được sợi dây đồng cảm với khán giả và luôn bao hàm yếu tố nhân văn.  

Anh đánh giá như thế nào về cuộc cạnh tranh trong mùa phim tết năm nay?

Nếu nhìn ở khía cạnh lạc quan, phim Việt đang có những lợi thế nhất định vì mức độ cạnh tranh mùa tết năm nay ít, vắng bóng các bom tấn nước ngoài. Đó là cơ hội để phim Việt đến với khán giả nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa hoàn toàn ổn định và không ai biết trước diễn biến như thế nào là điều gây lo lắng. Hiện thị trường đang trông chờ rất nhiều vào sự may mắn.  

Tôi tin tất cả nhà làm phim đều tập trung hết sức và nỗ lực thực hiện các bộ phim chỉn chu, đáng xem. Tất cả hiện vẫn là ẩn số và phụ thuộc vào gu thưởng thức của khán giả. Tôi chỉ mong khán giả sẽ thực sự thoải mái và đến rạp ủng hộ không chỉ mùa phim tết năm nay. Sự tâm huyết của nhà làm phim cộng hưởng với ủng hộ của khán giả mới tạo nên khởi sắc cho thị trường trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục