Đạo đức chính trị gia

Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara từ chức vì nhận tài trợ chính trị chỉ 650 USD từ người nước ngoài; Ngoại trưởng Pháp Michèle Alliot-Marie rời chức vụ vì cùng gia đình sử dụng máy bay cá nhân của các đại gia thân Tổng thống Tunisia bị lật đổ Zine El-Abidine Ben Ali; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Angelo Reyes, tự sát trong lúc đang bị điều tra nhận hối lộ hơn 1 triệu USD trước khi về hưu. Mới đây, cựu Tổng thống Pháp Jacque Chirac đã phải hầu tòa do dùng công quỹ trả lương cho nhân viên làm việc trong đảng của mình… Tất cả những thông tin này trong vòng 2 tháng qua khiến người ta đặt ra vấn đề: tiêu chuẩn đạo đức của các chính trị gia.

Tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo từ địa phương đến cấp chính phủ tại nhiều nước được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của nước đó, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan lập pháp và một lực lượng cảnh sát đủ uy tín. Vì thế, nhất cử nhất động của họ đều bị săm soi từng li từng tí, nếu phạm pháp dù với số tiền chẳng đáng là bao cũng đều bị sức ép dư luận ghê gớm. Vì vậy, để đỡ mất mặt, họ buộc phải từ chức hơn là đợi đến khi bị cách chức. Chuyện từ chức ở các nước này trở thành bình thường.

Tại một số nước đang phát triển, do hệ thống luật chưa hoàn chỉnh, nên việc kiểm soát những hành vi sai trái của các quan chức còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, chuyện các quan chức tham nhũng bị phát hiện đã khó và việc gây sức ép để họ từ chức càng khó hơn. Những trường hợp quan chức tham nhũng lên đến hàng triệu USD ở những nước này không phải hiếm. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho rằng, những hành vi sai trái của các quan chức tham nhũng không những làm giảm thu nhập của người nghèo, mà còn ảnh hưởng đến các chương trình liên quan đến những nhu cầu căn bản của họ, từ vấn đề vệ sinh đến giáo dục và y tế, làm thiệt hại nguồn tài nguyên và làm phương hại đến các chương trình xóa đói giảm nghèo.

Trong hội nghị quốc tế tại Seoul cuối năm 2010, nhiều chuyên gia chống tham nhũng hàng đầu thế giới cho rằng, hoàn thiện hệ thống luật pháp luôn là đòi hỏi bức thiết nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Để có được kết quả khả quan, ngoài việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của các nước, còn có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức và các định chế tài chính quốc tế.

Ở một khía cạnh khác, một nền giáo dục tốt cũng sẽ tạo ra nhiều công dân tốt, vừa có tài vừa có đức, đủ tiêu chuẩn trở thành lãnh đạo trong sạch, có lòng tự trọng. Chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg từ chức vì bị cáo buộc đạo văn chỉ hai đoạn trong bài luận văn tiến sĩ của mình cho thấy lòng tự trọng cũng là tiêu chuẩn không thể thiếu của các nhà lãnh đạo.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục