Chỉ 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phạt 137 trường hợp thi công đào đường cầu thả, không đúng quy định, với số tiền phạt lên đến 634 triệu đồng. Phạt nặng và liên tục như vậy, nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn…
Mặt đường tái lập nham nhở, còn 2 đống bê tông nhựa nóng trước nhà số 154 Hải, Thượng Lãn Ông vào sáng 13-6
Thi công cẩu thả
Các lỗi vi phạm trong việc thi công các công trình đào đường thường là không treo biển thông tin hoặc thông tin không đầy đủ; không bố trí người hướng dẫn điều tiết giao thông; không thu dọn các biển hiệu, rào chắn, phương tiện thi công; không thu dọn vệ sinh sau khi thi công… gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân.
Sáng 13-6, giờ cao điểm đông người tham gia giao thông, mà dưới lòng đường trước nhà số 154 Hải Thượng Lãn Ông (phường 10, quận 5) còn bừa bộn 2 đống bê tông nhựa nóng không được thu dọn, khiến xe cộ đến đây phải giảm tốc độ để tránh. Các cư dân ở đây cho biết, suốt đêm trước các công nhân đào xới đường để đặt ống nước, cứ tưởng sáng ra sẽ dọn sạch sẽ, trả lại mặt đường như quy định, nào ngờ khi làm xong, họ rút luôn mà không thu dọn mặt đường, vẫn bỏ đống vật tư, biển báo, hàng rào chắn chất chồng ngổn ngang ngay góc cột điện. Làm ăn vậy, trách sao dân không kêu!
Cách đây không lâu, nhiều cư dân đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) cũng đã phải than phiền vì các đơn vị đào đường lắp đặt ống cấp nước đã thi công thiếu trách nhiệm, dùng máy cắt mặt đường nhưng không vệ sinh sạch, khiến bụi đất vương vãi, nhiều hộ dân phải mang nước ra rửa lại mặt đường. Tệ hơn, đêm 25-5, Công ty cổ phần Đại Lộc đào và tái lập mặt đường Hai Bà Trưng, nhưng tái lập cẩu thả, khiến sáng hôm sau đã xuất hiện hố “tử thần”. Mới đây, ngày 10-6, trong cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về việc ngầm hóa cáp điện lực và viễn thông, ngành điện lực TPHCM đã thẳng thắn thừa nhận nhiều nhà thầu thi công ngầm hóa vẫn còn vướng nhiều “bệnh” như chưa lắp đặt đầy đủ biển báo tại 2 đầu công trình, tái lập chưa đúng quy định, còn lồi lõm, phui đào trên vỉa hè chỉ lấp lại bằng cát, không thu dọn vật tư thừa sau khi thi công…
“Chữa” bằng cách nào?
Đơn cử về công trình ngầm hóa lưới điện tại khu vực trung tâm thành phố (quận 1 và 3), năm 2016 Công ty Điện lực Sài Gòn phải đặt ngầm 14km lưới điện trung thế và 60km lưới hạ thế, với tổng mức vốn đầu tư lên đến gần 280 tỷ đồng. Để hoàn thành khối lượng này mà không gây ảnh hưởng đối với người dân trong quá trình thi công, ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc công ty, cho biết đã đưa vào hợp đồng các điều khoản chế tài đối với nhà thầu vi phạm, như phải bồi thường thiệt hại và chi phí liên quan đến việc khắc phục đồng thời sẽ cấm tham gia đấu thầu nếu vi phạm đến 3 lần. Đối với nhà thầu sử dụng lao động không đúng theo hợp đồng sẽ bị đình chỉ thi công và cấm tham gia đấu thầu nếu vi phạm đến 2 lần; buộc nhà thầu phải chuẩn bị nhiều tốp công nhân để thi công, ưu tiên tái lập vỉa hè, lòng đường vào trước 5 giờ sáng hôm sau theo quy định; trường hợp gặp trở ngại kỹ thuật phải gia cố bằng bê tông xi măng và tái lập tạm bằng tấm thép có gờ để người dân an toàn khi đi lại.
Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn, cho biết: “Công tác chuẩn bị thi công là rất quan trọng, vật tư phải đầy đủ, lao động phải an toàn do hạ tầng ngầm rất phức tạp. Làm phải kỹ, lao động bao nhiêu, nhận công trình bấy nhiêu, không nhận thầu ồ ạt, thiếu người, thiếu vật tư dẫn đến làm ăn cẩu thả”. Liên danh với công ty ông Tâm để thi công ngầm hóa ô phố Trần Hưng Đạo (gồm đường Yersin, Ký Con, Nguyễn Thái Bình, Phan Văn Trường - quận 1) ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Sao Mai, cho biết kinh nghiệm: “Công ty đã ký hợp đồng với ngành cấp nước để “ới” khắc phục sự cố bể ống cấp nước vào lúc nửa đêm, không gây ảnh hưởng đến người dân. 0 giờ 30 là ngừng đào, lo xuống ống, đầm nén. Mưa là không đào, chỉ làm nhựa tạm, đêm sau đào lên xử lý lại. Mặt đường lún là phải bù liền. Tái lập vỉa hè là phải dùng tấm đan bê tông hoặc tôn để lót phủ thêm, tránh bị bong bể và không gây bụi bặm, làm phiền dân. Cắt rọc mặt đường xong là phải rửa liền, không để bụi bặm”, ông Tuấn cho biết.
Phạt là biện pháp chế tài. Khổ nỗi, phạt hoài nhưng vẫn tái diễn là điều mà các chủ đầu tư phải xem lại việc đã chọn nhà thầu như thế nào. “Cấm cửa”, “đình chỉ thi công”… là điều cần thiết để loại những nhà thầu kém năng lực, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
THƯ LÊ