Để đòi khoản nợ 3 tỷ đồng của chị Y., bà N. thuê nhóm “xã hội đen” có nhiều tiền án tiền sự do Hoàng Văn Liên (SN 1973, ngụ quận Tân Phú) cầm đầu. Ban đầu, nhóm của Liên yêu cầu chị Y. trả tiền cho bà N., nếu không sẽ “xử” cả gia đình chị Y.
Thấy chị Y. hoảng loạn, từ đòi nợ thuê, Liên chuyển sang tống tiền, buộc chị Y. phải đưa cho Liên 300 triệu đồng thì… sẽ tha, “xếp hồ sơ đòi nợ” lại, không nhắc đến khoản nợ 3 tỷ đồng với bà N. nữa. Ngoài việc các đối tượng đòi nợ thuê sẵn sàng “ăn tiền” ở phía con nợ để “lật kèo” với chủ nợ như trên, nhiều trường hợp, thấy chủ nợ “dễ bắt nạt”, hoặc thấy “tay chân” của phía con nợ dữ dằn hơn, chúng còn bắt tay với con nợ quay lại tống tiền chủ nợ. Chị Đ.C.K.D. (SN 1988, tạm trú quận 7) thuê nhóm của Lê Văn Thịnh (SN 1979, quê Hải Phòng) đòi nợ của chị gái của mình 400 triệu đồng. Thấy nhóm của Thịnh đe dọa “tắm máu” gia đình chị gái, D. vội năn nỉ Thịnh hủy hợp đồng đòi nợ, hứa sẽ đền một ít tiền nhưng Thịnh không chịu. Thịnh đe dọa sẽ thanh toán luôn cả D. nêu không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bị uy hiếp, D. đành viết giấy nợ 90 triệu đồng và giấy thế chấp đất cho Thịnh. Từ chủ nợ thành con nợ, quá áp lực, D. uống thuốc ngủ tự tử, rất may được phát hiện.
Sử dụng “xã hội đen” đi đòi nợ thuê đang trở thành xu hướng để giải quyết nợ nần, nhất là những khoản nợ không rõ ràng, vi phạm pháp luật như cho vay nặng lãi, cờ bạc... Lối hành xử này như chơi dao hai lưỡi, nguy hiểm đối với cả hai phía: con nợ và chủ nợ. Bởi, đa số các đối tượng côn đồ rất manh động, bất chấp mọi thứ để có lợi cho mình. Thực tế cho thấy, đa phần những vụ thuê giang hồ đòi nợ đều có những kết cục không tốt đẹp. Bên cạnh việc ngành công an có đối sách với các đối tượng trong các băng, nhóm có biểu hiện hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê nhằm ngăn ngừa những hành động manh động của số này, quan trọng nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có giải pháp để sự nghiêm minh của pháp luật có điều kiện thực thi. Khi giải quyết các vụ kiện cáo đòi nợ, tránh trường hợp nhập nhằng, đá qua chuyền lại của ngành công an và tòa án trong việc xác định giữa dấu hiệu phạm pháp hình sự và quan hệ dân sự, dẫn tới không cơ quan nào thụ lý giải quyết cho người dân; hoặc, bản án dân sự có hiệu lực nhưng lại không thi hành được! Một khi người dân đã có niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật thì chắc chắn sẽ không cần “luật rừng”.
Mạnh Hòa