Dạo phố ông Đồ

Những dịp xuân trước đây, người dân TPHCM thường tham quan và chụp ảnh ở đường hoa vào những ngày giáp tết, thì nay họ lại có thêm sự lựa chọn mới: Dạo phố ông Đồ…
Dạo phố ông Đồ

Những dịp xuân trước đây, người dân TPHCM thường tham quan và chụp ảnh ở đường hoa vào những ngày giáp tết, thì nay họ lại có thêm sự lựa chọn mới: Dạo phố ông Đồ…

Nổi tiếng nhất là phố ông Đồ tại Nhà Văn hóa Thanh niên (VHTN) và Cung Văn hóa Lao động (VHLĐ). Khai mạc vào ngày 6 và 7 tháng 2 và hai phố ông Đồ này đã nhanh chóng thu hút người dân, nhất là vào buổi tối. Những sản phẩm ở đây ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, từ nhiều chất liệu sơn dầu, màu nước, màu bột, trên các loại giấy, gỗ khác nhau như: dẻ, me, sữa, pơ mu.

“Ông đồ” Tuệ Nghiêm đang hoàn thành bức liễn cho khách.

“Ông đồ” Tuệ Nghiêm ở khu vực Nhà VHTN cho biết, dù mới khai mạc, nhưng khách mua cũng khá nhiều, chủ yếu là những câu liễn để treo trên cành mai. Có hai loại chất liệu để viết, một là giấy thông thường, hai là giấy dán trên mành trúc. Nội dung các bức liễn thường là các câu thơ, câu đối liên quan đến tình cảm gia đình, cha mẹ con cái hoặc những câu châm ngôn, triết lý. Khi khách đến hỏi, các “ông đồ” sẽ tư vấn theo sở thích bằng các câu thơ đã được tuyển sẵn, hoặc khách có thể yêu cầu viết theo những câu mình mong muốn. Giá cả các bức liễn này tùy thuộc vào kích cỡ và nét bút có uyển chuyển hay không, trên dưới 100.000 đồng.

 

So với các năm, giá tranh thư pháp năm nay không có nhiều thay đổi. Các bức liễn câu đối vẫn giữ giá từ 70.000 - 120.000 đồng. Các bức chữ viết bằng mực hoặc cẩn trên gỗ có giá 250.000 - 2 triệu đồng. Các loại tranh sơn dầu, màu nước, màu bột có giá từ 2 triệu đến hơn chục triệu đồng.

 

Cao giá hơn một chút là những chữ như Nhẫn, Phúc, Tâm, Đức được khắc trên gỗ hoặc viết trên giấy hình vuông. Có gian hàng trang trí thêm vài họa tiết, có chỗ chỉ viết một chữ chân phương, được đóng khung gỗ, tùy theo khách hàng lựa chọn. Anh Nguyễn Trung Đức, nhà ở quận Thủ Đức, tâm sự: “Người ta mua chữ chủ yếu để giáo dục con cháu trong nhà, lấy chữ “Tâm” mà sống, để có “Phúc” mà hưởng”. Giá của những bức có kích thước trung bình khoảng từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng, thậm chí cao hơn, tùy vào chất liệu. Còn các loại tranh vẽ bằng bút lửa trên gỗ có giá từ vài trăm ngàn đến chục triệu đồng. Có thể nhận thấy những nội dung bán chạy vẫn là Mã đáo thành công, cá chép hóa rồng, hoa mẫu đơn, công phượng, đức Phật… ẩn chứa những ngụ ý về sự thành đạt, cát tường sung túc mà các gia chủ mong muốn.

Đặc điểm của tranh phố ông Đồ là không có sao chép, mỗi tranh mỗi chữ là một khoảnh khắc thả hồn mà người viết tạo nên. “Ông đồ” Dương Minh Hoàng tại Nhà VHTN kể, năm 2014, anh đã vẽ một bức tranh thủy mặc khắc trên gỗ mất mấy tháng và mãi đến ngày 28 Tết mới có người đồng ý mua giá 10 triệu đồng. Ngay chiều hôm đó, một người khách khác cũng quay lại tìm mua bức tranh đã bán ấy và hỏi liệu có thể vẽ lại bức tranh đó không, Minh Hoàng lắc đầu, khó có thể làm lại lần thứ hai như ý được.

Những người bán ở đây không phải là những ông Đồ râu tóc bạc phơ, mà chủ yếu là những sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp từ nhiều trường khác nhau. “Ông đồ” Trần Thanh Phong, đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, lần đầu tham gia cùng nhóm bạn cho biết, trong gian hàng này có nhiều bức tranh đem đến từ triển lãm sinh viên của trường. Năm 2014, nhóm của Phong bán được khoảng sáu bức có giá từ 5 triệu đồng trở lên, hy vọng năm nay sẽ bán được nhiều hơn số đó.

XUÂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục