Công tác dạy nghề hiện nay còn thiếu gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp (DN) mặc dù DN đã bắt đầu chủ động hơn trong việc liên kết với các cơ sở dạy nghề nhằm tuyển dụng lao động có tay nghề. Một số DN cũng hỗ trợ nhà trường nghề việc tạo điều kiện cho học viên thực tập, thực hành. Về phía nhà trường cũng đã chủ động liên kết đào tạo với DN. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế của DN vẫn chưa được sự chú trọng, quan tâm của DN. Còn nhà trường thì chưa khảo sát nhu cầu nhân lực của DN, mới đào tạo theo cái mình có nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Làm thế nào để phát huy nguồn nhân lực có tay nghề? Trước hết, nhà trường cần liên kết với các trường nghề trong việc cung ứng lao động, cung cấp thông tin đào tạo bám sát vào nhu cầu thực tế của DN. Nhà trường và DN đều cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước đối với học sinh học nghề nhằm khuyến khích và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Đa số các DN đều muốn tạo điều kiện cho học sinh nghề được thực hành thực tế tại DN.
Chính vì vậy Nhà nước có thể nghiên cứu thành lập một cơ quan điều phối chung về phát triển nhân lực. Sự liên kết sẽ đạt được hiệu quả cao và thiết thực khi DN và cơ sở dạy nghề có liên kết trong việc đặt hàng đào tạo của DN, cung ứng lao động có chất lượng cao của cơ sở dạy nghề và sự phối hợp trong công tác đào tạo từ hai phía. Mô hình người học nghề học lý thuyết vài tháng tại trường, sau đó thực hành tại DN một vài tháng theo chương trình luân phiên hiện nay có thể nói là mô hình được nhà lãnh đạo, DN và cơ sở dạy nghề cho là khả thi và có hiệu quả nhất.
Mặt khác, về phía Nhà nước trong thủ tục thành lập DN Nhà nước cần có quy định bắt buộc cam kết phối hợp với các cơ sở dạy nghề để cùng tham gia đào tạo nghề cho DN và cho xã hội. DN phải trích lập quỹ hỗ trợ học nghề tại DN. Các khoản chi cho đào tạo lực lượng lao động và nghiên cứu khoa học được tính là cho phí sản xuất hợp lý. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức các yếu tố cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường lao động của các DN, cơ sở đào tạo và người lao động về chất lượng nguồn nhân lực.
Cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các DN. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp. Có sự đồng bộ giữa hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành với nhu cầu sử dụng lao động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của các DN cũng như nhà trường.
Trần Anh Tuấn
(Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)