Đáp nghĩa!

Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp bất ngờ “đổi vận”. Sau hơn 10 năm không bán được một chiếc chiến đấu cơ Rafale nào cho quân đội nước ngoài, nay Qatar vừa ký hợp đồng mua 24 chiếc. Trước đó, Ai Cập và Ấn Độ cũng lần lượt đặt mua 24 chiếc và 36 chiếc.

Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp bất ngờ “đổi vận”. Sau hơn 10 năm không bán được một chiếc chiến đấu cơ Rafale nào cho quân đội nước ngoài, nay Qatar vừa ký hợp đồng mua 24 chiếc. Trước đó, Ai Cập và Ấn Độ cũng lần lượt đặt mua 24 chiếc và 36 chiếc.

Theo giới phân tích, có nhiều lý do khiến các nước đặt mua chiến đấu cơ của Pháp sau nhiều năm do dự. Thứ nhất, từ năm 2007, chiến đấu cơ Rafale tham gia tác chiến trên nhiều chiến trường nguy hiểm như Afghanistan, Libya, Iraq... và mang lại thành công nhất định. Thứ hai, là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa giới chính khách và công nghiệp. Thứ ba là hiệu ứng domino khi quyết định của Ai Cập đã kéo theo quyết định của các khách hàng khác. Và cuối cùng là yếu tố chính trị đặc thù của Trung Đông.

Các quốc gia vùng Vịnh rất cảm kích thái độ “trước sau như một” của Pháp, nhất là trong mùa hè 2013, khi Tổng thống Hollande tuyên bố kiên quyết trừng phạt Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trái với lập trường của Pháp, thái độ không quyết đoán của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vấn đề Syria đã làm cho các đồng minh vùng Vịnh thất vọng. Chính phủ các quốc gia vùng Vịnh bất bình vì cho rằng Damascus dùng vũ khí hóa học, vi phạm làn ranh đỏ, công khai thách thức Washington, nhưng Tổng thống Mỹ đã từ bỏ ý định không kích Syria vào giờ chót trong lúc không quân Pháp đã sẵn sàng chỉ đợi bật đèn xanh.

Ngoài ra, đối với các vương quốc vùng Vịnh mà đứng đầu là Saudi Arabia, sự kiện Washington bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak để cho cuộc cách mạng Mùa xuân Ảrập lật đổ đồng minh 30 năm, là một đòn choáng váng. Đây không phải là lần đầu tiên, Mỹ bỏ rơi quân đội đồng minh. Còn nhớ vào năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ xung đột với Hy Lạp và chuẩn bị đổ quân lên đảo Cyprus, Washington đã ngưng cung cấp trang thiết bị cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngay khi cuộc hành quân diễn ra.

Giờ đây, khi chính phủ của Tổng thống Obama tìm một thỏa hiệp với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran thì Pháp lại luôn kiên quyết quan điểm không nhượng bộ Iran, quốc gia được xem là kẻ thù của các quốc gia vùng Vịnh. Hay nói cách khác, Paris đã chọn lập trường đứng về phía các quốc gia vùng Vịnh thân Tây phương mà Saudi Arabia là anh cả.

Trong bối cảnh Riyad dẫn đầu liên minh Ảrập can thiệp quân sự ngăn chặn phe Houthi được cho là thân Iran kiểm soát Yemen, nước Pháp càng được xem là một đồng minh đáng tin cậy từ chính trị đến quân sự. Phiêu lưu quân sự của Saudi Arabia và nhu cầu phát triển hạ tầng của một trong những cường quốc dầu mỏ này chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các tập đoàn công nghệ Pháp.

Và thành công của thương vụ Rafale là hệ quả tất yếu đầu tiên của việc Ảrập “đáp nghĩa”. Đúng như tuyên bố của Tổng thống Pháp Hollande, người không giấu giếm niềm vui tại hội nghị thượng đỉnh 6 nước vùng Vịnh hôm 5-5 vừa qua: “Đây là thành công của công nghiệp Pháp nhưng cũng là thành quả của chính sách ngoại giao”.

Có thể nói, việc Tổng thống Hollande tham dự hội nghị thượng đỉnh vùng Vịnh tại Riyad đã cho thấy Pháp và các quốc gia trong khu vực đang xích lại gần nhau. Đây cũng là một chỉ dấu về việc các vương quốc Ảrập, theo dòng Hồi giáo Sunni, đang đặt niềm tin vào lập trường của Pháp khi mà sự mất lòng tin đối với Tổng thống Obama, người đang cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận với một chính phủ theo dòng Hồi giáo Shiite là Iran, gia tăng.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục