Đất công thành đất tư?

Báo SGGP nhận được đơn của tập thể cư dân hẻm 57 đường Phan Tây Hồ (phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM), phản ánh về việc tại đây đã xảy ra tình trạng biến đất công (đất đường hẻm) thành đất tư.

Báo SGGP nhận được đơn của tập thể cư dân hẻm 57 đường Phan Tây Hồ (phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM), phản ánh về việc tại đây đã xảy ra tình trạng biến đất công (đất đường hẻm) thành đất tư.

Hoán đổi không hợp lý

Theo đơn thưa của các cư dân hẻm 57 Phan Tây Hồ, hẻm này ban đầu rộng khoảng 4m, nhưng từ trước năm 1975, chủ cũ nhà số 57 đã lấn chiếm trái phép đường hẻm để làm nhà bếp, khiến lối đi vào hẻm chỉ rộng còn khoảng 0,9m nên việc đi lại của các hộ dân trong hẻm gặp khó khăn. Dần dà theo thời gian, nhà số 57 cũng được cấp chủ quyền cho phần lấn chiếm này. Gần đây, nhà số 57 được bán cho chủ mới là ông Trần Khiết Tâm (ngụ tại phường 5, quận Phú Nhuận). Sau đó, ông Tâm làm đơn đề nghị quận Phú Nhuận cho phép hoán đổi một phần diện tích lấn hẻm trước đây - theo chủ nhà khai 6,86m² - để lấy phần đất hẻm hiện hữu phía sau nhà khoảng 13m² nhập vào phần diện tích đất của nhà số 57. Ngày 20-1-2015, UBND phường 7 đã tổ chức họp các hộ dân hẻm 57 để xin ý kiến. Tại cuộc họp này, các hộ dân đồng thuận việc hoán đổi đất nhưng diện tích hoán đổi phải tương đương (chỉ 6,86m²) và không đồng ý hoán đổi thành 13m² như đơn xin của chủ hộ 57, đồng thời giữ nguyên hiện trạng phần đất phía sau nhà số 57, vốn là một ngã tư trong hẻm. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, ngày 21-1, UBND phường 7 lại triệu tập cuộc họp với các hộ dân hẻm 57 để thông báo ý kiến của quận về việc cho người dân chọn 2 phương án hoán đổi. Theo đó, phương án 1 hoán đổi tương đương diện tích đất. Phương án 2 hoán đổi theo đề nghị của chủ nhà 57 nhưng có vạt góc phía sau nhà 57 để dành không gian thông hành địa dịch cho việc đi lại tại ngã tư trong hẻm sau nhà 57. Tại cuộc họp này, các cư dân hẻm 57 không đồng tình với cả 2 phương án vì phần đất hộ 57 hoán đổi 6,86m² đã nằm trong quy hoạch giải tỏa mở đường, còn phần đất công của đường hẻm 13m² giao cho hộ 57 là phần đất không bị quy hoạch giải tỏa. Nếu chấp nhận phương án này, ngã tư trong hẻm sau lưng nhà 57 đang thông thoáng sẽ bị thu hẹp lại.

Những điều khuất tất

Sự việc bẵng đi vài tháng, bỗng nhiên sáng 2-4 có nhân viên địa chính của phường 7 đến hẻm đo, vẽ. Chiều cùng ngày, chủ thầu và công nhân xây dựng đổ vật liệu xây dựng xuống chuẩn bị động thổ. Cư dân trong hẻm kéo ra phản ứng gay gắt thì được chủ thầu chìa bản photocopy giấy chủ quyền và một người dân nhanh tay dùng điện thoại chụp lại xem thì mới tá hỏa: Ngày 12-2, UBND quận Phú Nhuận đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số BY 169399) cho ông Trần Khiết Tâm theo phương án 2, và hẻm 57 đã có quy hoạch mở rộng thành 4m, giờ chỉ còn 3m. Trước sự phản ứng của cư dân hẻm 57, các công nhân xây dựng đành thu dọn đồ nghề ra về.

Một tuần sau, ngày 9-4, UBND phường 7 cùng đại diện Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận có cuộc họp với cư dân hẻm 57 để nghe ý kiến người dân. Các cư dân cho rằng, trong Luật Đất đai không có quy định nào về hoán đổi đất bất hợp lý thế này. Đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường cho rằng “không có việc hoán đổi, nhưng có việc giao đất” (?!) và thừa nhận rằng “sự việc xảy ra là do cách làm của cơ quan chức năng chưa tròn đầy”. Cũng tại cuộc họp này, các cư dân đã đặt yêu cầu: Phải công khai trước dân những cơ sở pháp lý của việc hoán đổi đất hẻm cho hộ 57, căn cứ nào để cấp giấy chủ quyền cho nhà số 57… Theo biên bản cuộc họp ghi nhận, để trả lời thắc mắc của các cư dân, đại diện chính quyền địa phương khẳng định: Các giấy tờ liên quan đến nhà số 57, phường không thể cung cấp cho dân xem. Cơ sở pháp lý được phường đưa ra là Thông báo số 386/TB-VP của UBND quận Phú Nhuận ngày 27-12-2014. Theo đó, quận chấp thuận hoán đổi đất theo đề nghị của chủ nhà số 57 và giao các phòng ban chức năng thực hiện chỉ đạo này trước ngày 9-1-2015.

Cư dân hẻm 57 bức xúc đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền địa phương lại quá “ưu ái” với nhà số 57; các cuộc họp với dân, chính quyền đều chủ động mọi việc, trong khi chủ nhà số 57 chưa lần nào xuất hiện?

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục