Đất lành cho kiến trúc sư nước ngoài

Tốc độ phát triển của ngành xây dựng tại Trung Quốc đã đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên vị trí đầu bảng trong lĩnh vực này trên phạm vi toàn cầu. Tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành xây dựng tại nước này không những tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các công ty xây dựng trong nước, mà còn cho đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng của phương Tây, nơi nền kinh tế đang suy thoái và đóng cửa hoàn toàn với ngành bất động sản nói chung và xây dựng nói riêng.

Gần 1 giờ sáng ở Thành Đô nhưng những kiến trúc sư nước ngoài tại những công ty kiến trúc của Đức, New Zealand và Anh… cũng chưa tỏ vẻ muốn về nhà. Họ đang hối hả đưa những ý tưởng từ bàn giấy trở thành những công trình hiện thực. Tất cả lao vào công việc với một tốc độ điên cuồng để chỉ trong vài năm kịp cho ra đời những thành phố mới được thiết kế qua đêm, với những kỹ thuật tiên tiến, áp dụng công nghệ xanh.

Cho đến nay, gần như tất cả những tòa nhà hiện đại trở thành biểu tượng của Trung Quốc đều do người nước ngoài thiết kế, từ Sân vận động Quốc gia (hay còn gọi là Sân vận động Tổ chim), Viện Bảo tàng Điêu khắc gỗ Cáp Nhĩ Tân, Tháp Truyền hình Trung ương, cho đến Tháp Thượng Hải 128 tầng đang được xây dựng và dự kiến sẽ trở thành tòa nhà cao thứ hai thế giới khi nó được hoàn thành vào năm 2014…

Trong 3 năm qua, đội ngũ kiến trúc sư nước ngoài muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tại quê nhà, đã ùn ùn kéo vào Trung Quốc với kỳ vọng kiếm được một việc làm tốt từ sự tăng trưởng bùng nổ của đất nước này.

Theo Công ty McKinsey & Company, Trung Quốc sẽ xây 50.000 tòa nhà chọc trời trong 2 thập kỷ tới, gấp 10 lần New York. Nếu như vào giữa năm 2009, nhân viên của tập đoàn kiến trúc MAD hoàn toàn là người Trung Quốc thì hiện nay, phân nửa là người nước ngoài đến từ Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Colombia, Nhật Bản… Họ rỉ tai nhau “cứ đến Trung Quốc, mọi thứ đều cần được xây dựng”. Trung Quốc đang xây mới những tòa nhà văn phòng, những dự án phát triển nhà ở, bệnh viện, trung tâm mua sắm…

Quy mô và tốc độ phát triển ngành xây dựng ở Trung Quốc không giống như những gì mà các kiến trúc sư này trải nghiệm ở quê nhà. Đó là cuộc dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chỉ trong 2 thập kỷ, khoảng 300 triệu người Trung Quốc đã trở thành cư dân thành thị.

“Những người mới” không đến vì được mời hay tò mò mà bởi họ cần việc làm. Nói như Michael Tunkey, người đứng đầu chi nhánh Công ty Thiết kế Cannon Design ở Trung Quốc, họ là “những người tị nạn từ cuộc khủng hoảng kinh tế”.

Tuy nhiên, mảnh đất lành để chim đậu này cũng bắt đầu chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các công ty nước ngoài đang tiến tới “địa phương hóa” đội ngũ của họ bằng thế hệ kiến trúc sư mới người Trung Quốc với mục đích cắt giảm chi phí, hạ giá thành để giành giật hợp đồng. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục