Đất lành Thuận An

Nằm kề TPHCM, Thuận An với trung tâm là phường Lái Thiêu, từng được biết đến là nơi có khu dân cư đông đúc nằm bên rạch Lái Thiêu thông ra sông Sài Gòn.
KCN VSIP1 nằm trên địa bàn TP Thuận An, tỉnh Bình Dương được đầu tư khá đồng bộ, trở thành hình mẫu cho các KCN ở Việt Nam
KCN VSIP1 nằm trên địa bàn TP Thuận An, tỉnh Bình Dương được đầu tư khá đồng bộ, trở thành hình mẫu cho các KCN ở Việt Nam

 Trong quá khứ, nơi đây đã là “miền đất hứa” của dân di cư từ các vùng quê cả nước và tận bên Trung Hoa, để hình thành các làng gốm sứ nổi tiếng. Thuận An hôm nay là nơi ra đời mô hình Khu liên hiệp Công nghiệp - đô thị VSIP, hình mẫu của mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Singapore với Việt Nam, góp phần tạo nên diện mạo một đô thị Thuận An hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, xứng đáng là đô thị vệ tinh cho vùng đô thị TPHCM.

Hiện đại nhưng không mất bản sắc

Dọc theo đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13), du khách dễ bị choáng ngợp bởi sự trẻ trung, hiện đại của đô thị Thuận An khi chỉ trên một đoạn đường hơn 5km đoạn qua Thuận An đã có hàng loạt salon ô tô - từ các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Mazda, Toyota, hay của Hàn Quốc như Kia, Hyundai, đến thương hiệu Hoa Kỳ như Ford… Và điểm xuyết cho đại lộ rộng lớn đến 6 làn xe ấy là một siêu thị Aeon sừng sững. Dọc theo đại lộ này có vô số cửa hiệu dịch vụ - thương mại mọc lên, đáp ứng nhu cầu dịch vụ - tiêu dùng của người dân. 

TP Thuận An hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) với 10.829 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 370.832 công nhân - người lao động. Chỉ riêng tổng số phòng trọ cho người lao động thuê đã lên đến 166.927 phòng. Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng thành phố cũng có 32.843 hộ kinh doanh dịch vụ - thương mại với tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 75.620 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, đóng góp vào con số thu ngân sách của thành phố 5.122 tỷ đồng, đạt 137,86% dự toán mà UBND tỉnh và HĐND tỉnh giao.  

Từ đại lộ rẽ bên trái, đi khoảng 300-500m, du khách sẽ thấy sông Sài Gòn và hiện diện hai bên đường bê tông nhựa chạy ra phía bờ sông là những căn nhà vườn thoáng đãng có diện tích trên dưới 1.000m2 với màu xanh cây trái làm dịu bớt cái áp lực đô thị hóa, nhà cao tầng. 

Đất lành Thuận An ảnh 1 Khách du lịch tìm hiểu về nghề gốm Lái Thiêu
Tận dụng cảnh quan bờ sông, nhiều nhà hàng - quán ăn sân vườn đã mọc lên phục vụ nhu cầu ăn uống, thưởng ngoạn của người dân và du khách, như sự bổ sung hoàn hảo cho bức tranh đô thị của một thành phố vệ tinh của vùng đô thị TPHCM. Phía bên kia sông là đất thép Củ Chi với hệ thống địa đạo Bến Đình - Bến Dược nổi tiếng, giúp du khách có một tour trải nghiệm đường sông lý thú. Khi lên bờ, các làng gốm sứ truyền thống của Thuận An như Lái Thiêu, Tương Bình Hiệp của Thủ Dầu Một, góp phần làm du khách có những khám phá về văn hóa bổ ích của vùng đất Đông Nam bộ. 

Không phải ngẫu nhiên mà Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong suốt gần 30 năm qua. Đường sá, khoảng cách rất gần TPHCM, có đội ngũ lãnh đạo cầu tiến, năng động cũng là lợi thế của vùng đất này. Trong đó, các tập đoàn hàng đầu của Singapore đã chọn Thuận An chứ không phải nơi khác của Bình Dương để xây dựng KCN VSIP 1, một mô hình KCN - đô thị kiểu mẫu để nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ - thương mại

Trong báo cáo chính trị được thông qua tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ phương hướng phát triển kinh tế - xã hội TP Thuận An như sau: Khai thác tối đa lợi thế về vị trí - tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng, tạo nền tảng để sau năm 2025 Thuận An trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Ông Lê Thanh Phong, Chánh Văn phòng UBND TP Thuận An, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đảng bộ thành phố, Thuận An đang triển khai một loạt dự án - công trình trọng điểm về chỉnh trang đô thị - xây dựng hạ tầng, cập nhật Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Thuận An đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2045, nâng cấp quốc lộ 13, triển khai dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn (dài 7km), công trình cống ngăn triều phường Bình Nhâm để nhân rộng ra các phường xã khác phục vụ tưới tiêu, chống ngập và công trình đường ven sông Sài Gòn (nâng cấp đê bao, làm đường nhựa toàn tuyến dài 13km, mặt đường rộng 18m có vỉa hè giáp sông dành cho người đi bộ và công viên cây xanh) phục vụ nhu cầu đi lại, hưởng thụ không gian văn hóa, tập luyện thể dục thể thao cho người dân”.

Đất lành Thuận An ảnh 2 Nghệ nhân làng gốm Lái Thiêu giới thiệu sản phẩm
Song song đó, thành phố cũng đang thực hiện chuyển đổi từng bước mô hình công nghiệp sang thương mại - dịch vụ bằng việc di dời các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra bên ngoài khu dân cư và dịch chuyển lên phía Bắc của tỉnh, dự kiến đến năm 2045 chỉ còn lại duy nhất KCN VSIP1 và bản thân KCN này cũng tự chuyển đổi sang mô hình công nghệ cao. Các khu đất từng làm KCN sau khi di dời sẽ được quy hoạch, xây dựng thành các khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ để tăng giá trị sử dụng đất và phục vụ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp sang dịch vụ - thương mại, thu hút giới đầu tư, qua đó nâng cao chất lượng đô thị vệ tinh. Đặc biệt, TP Thuận An đã có kế hoạch di dời, chỉnh trang 2 nghĩa trang Lái Thiêu A, Lái Thiêu B với diện tích hơn 10ha, thành công viên để tạo thêm mảng xanh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Theo ý kiến của các chuyên gia, Thuận An hoàn toàn có điều kiện để quy hoạch, phát triển thành đô thị động lực vùng TPHCM như vùng đô thị Paris (Pháp) khi hội đủ các điều kiện về hạ tầng trọng điểm, dân cư, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa - thể thao - du lịch để tạo ra động lực cho việc phát triển các khu đô thị mới, bảo tồn văn hóa, thiên nhiên, kiến trúc phục vụ cho việc chỉnh trang, giãn dân ở các khu vực có mật độ dân cư quá cao ở các quận nội thành của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục