(SGGPO).- Sáng 9-10, UBTVQH đã nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và thu - chi ngân sách 9 tháng đầu năm, cùng các báo cáo thẩm tra về vấn đề này.
>> Với kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2014
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao
Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62% (Báo cáo đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 5,54%) cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,8%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 3%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua (2013: 2,39; 2012: 2,5%)...
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã đưa ra dự báo kết quả thực hiện cho cả năm 2014; theo đó, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn
Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH - như thường lệ - đưa ra những đánh giá khá thận trọng. Đại diện Ủy ban, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu ghi nhận, trong tình hình khó khăn, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, kinh tế nước ta cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Trong đó, đáng lưu ý là cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873).
Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy... Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.
Tỷ lệ nợ xấu được xử lý còn thấp
Đây lại là một quan ngại lớn khác, dù không còn mới. Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch.
Ông Giàu phân tích, tỷ lệ nợ xấu gia tăng chủ yếu do tăng trưởng tín dụng tăng thấp và quá trình hạch toán lại các khoản nợ theo chuẩn mực mới trong khi tiến độ giải quyết nợ xấu của Công ty VAMC còn chậm. Từ khi đi vào hoạt động từ tháng 7/2013 cho đến cuối tháng 8/2014, VAMC mua được 3.281 khoản nợ với tổng dư nợ gốc hơn 56 nghìn tỷ đồng, giá mua hơn 46 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với kế hoạch mua từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong cả năm 2014). Số lượng nợ xấu được VAMC xử lý thấp do khả năng bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Thất nghiệp giảm, thiếu việc tăng?
Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại. Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, vì vậy cần đánh giá sâu sắc, thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số đề xuất về cải cách giáo dục chưa hợp lý, sinh viên ra trường không tìm được việc làm gây bức xúc trong nhân dân. An toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường... vẫn là nỗi lo lắng thường xuyên của mỗi gia đình.
Bảo Vân