Đặt “nền móng” cho văn hóa từ chức

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về chủ trương lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội phê chuẩn, đặc biệt liên quan đến các chức danh do HĐNDTP bầu hoặc phê chuẩn, TS. Nguyễn Việt Hùng (ảnh), Trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Cán bộ TP cho rằng, nếu làm thực chất, đây sẽ là “nền móng” cho văn hóa từ chức khi cán bộ không hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình.
Đặt “nền móng” cho văn hóa từ chức

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về chủ trương lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội phê chuẩn, đặc biệt liên quan đến các chức danh do HĐNDTP bầu hoặc phê chuẩn, TS. Nguyễn Việt Hùng (ảnh), Trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Cán bộ TP cho rằng, nếu làm thực chất, đây sẽ là “nền móng” cho văn hóa từ chức khi cán bộ không hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình.

Ông Hùng cho biết: vấn đề trên vì TP được xác định là đô thị đặc biệt có vị trí rất quan trọng với cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, điều hành của UBND TP trên tất cả các mặt rất quan trọng, điều này đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của người đứng đầu đến các phó chủ tịch UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành, quận huyện. Nếu làm tốt khâu lấy tín nhiệm các chức danh chủ chốt của UBND TP sẽ nhắc nhở các đồng chí này không ngừng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của HĐND và cử tri TP gửi gắm đồng thời cũng qua đó tạo điều kiện để cử tri giám sát UBND và các sở ban ngành, quận huyện thực thi nhiệm vụ.

  • Khắc phục tình trạng không rõ địa chỉ trách nhiệm

* PV: Kết thúc kỳ họp thứ 7 HĐND TP vừa qua, không ít đại biểu và cử tri TP bày tỏ bức xúc trước tình trạng không rõ địa chỉ trách nhiệm của các cán bộ tham mưu, sở ban ngành trước những yếu kém, tồn tại của TPHCM. Theo đồng chí, việc bỏ phiếu tín nhiệm nếu thực hiện tốt có khắc phục được tình trạng này?

* TS. Nguyễn Việt Hùng: Tôi nghĩ là được. Bởi hiện nay TPHCM đang đứng trước rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Thực trạng đó người dân yêu cầu UBNDTP, các sở ban ngành phải có các giải pháp đồng bộ, kịp thời để chấn chỉnh tình hình, đảm bảo người dân có môi trường sống ổn định. Nếu vẫn làm theo cách cũ, chúng ta không thể giải quyết được tình hình. Việc xây dựng chính quyền đô thị TPHCM, mà cốt lõi là tính chuyên nghiệp trong hoạt động của chính quyền trở thành điều cấp thiết. Qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp, đổi mới toàn bộ hệ thống chính quyền, trước hết là người đứng đầu. Trước các tồn tại, yếu kém, Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân đã nhìn nhận và đã xin lỗi nhân dân. Tuy nhiên, cần phải quyết liệt hơn, nếu cán bộ cơ quan tham mưu, sở ban ngành yếu kém, nên thay người khác tốt hơn để công việc được thực hiện có hiệu quả.

* Nhưng lấy căn cứ nào để đánh giá cán bộ đó làm tốt hay không?

* Căn cứ chính là sự tín nhiệm của HĐNDTP - thay mặt cho cử tri TP, tín nhiệm các chức danh chủ chốt của UBNDTP và sở ban ngành, quận huyện. Lấy phiếu tín nhiệm là sự cảnh báo các cán bộ giữ vị trí lãnh đạo biết được uy tín của mình. Đó là cơ sở để mỗi người tự mình xem lại mình. Đây là cách tốt nhất để đánh giá cán bộ, nếu anh không làm được việc, thay vì xin lỗi trở thành thường xuyên cần chuyển sang lấy tín nhiệm để xem xét cương vị.

  • Chấm dứt xin lỗi và hứa

* Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta chấm dứt việc xin lỗi để thay bằng văn hóa từ chức?

* Khi văn hóa từ chức chưa trở thành thói quen ta dùng cơ chế tổ chức để đánh giá. Đánh giá tín nhiệm chính là cơ chế về tổ chức để tạo sức ép của cơ quan quyền lực địa phương, công luận, cử tri nhằm đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực. Theo tôi, cần khắc phục căn bệnh xin lỗi và hứa hiện nay. Một số kỳ họp HĐND chất vấn những vấn đề không mới chứng tỏ lời hứa chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Kết quả tín nhiệm sẽ được cả hai mặt, nếu tín nhiệm tốt cán bộ được giao nhiệm vụ quan trọng hơn để có cơ hội phát huy; còn tín nhiệm thấp, hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ phải có cơ chế để đánh giá tín nhiệm, buộc cán bộ phải từ chức hoặc bị cách chức.

Tôi cho rằng nên duy trì việc này trở thành một thông lệ và nó sẽ giúp người cán bộ công chức từng bước có văn hóa từ chức chứ không phải cứ kêu gọi là người ta từ chức ngay đâu. Hiện nay “cái chức” ở ta còn rất nặng nề cả danh và thực nên mới có tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. Bác Hồ nói rất rõ: Cán bộ đảng viên dù ở cấp nào cũng đều là đầy tớ, công bộc của dân. Đảng giao, dân giao thì việc gì cũng phải làm. Nhưng đã làm thì phải làm tốt, không được làm hỏng, làm sai, làm yếu. Không thể có chuyện giao gì cũng nhận, không thoái thác, không chạy, không xin nhưng cuối cùng làm hỏng, làm sai, rồi sau đó xin lỗi và mọi việc vẫn trì trệ. Không thể chấp nhận như vậy!

* Nhưng hàng năm chúng ta vẫn đánh giá cán bộ, cuối cùng vẫn huề cả làng, ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ?

* Muốn không hình thức phải làm chặt cả hai phía, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng như người bỏ phiếu tín nhiệm. Theo tôi, để làm tốt phải đảm bảo 3 yếu tố. Một là, Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐNDTP phải chuẩn bị kỹ về tiêu chí, tiêu chuẩn, căn cứ và cách thức để đảm bảo khâu bỏ phiếu được đúng quy trình, quy định, khách quan. Vai trò của Thường trực HĐND rất quan trọng, phải gương mẫu, nhất là Chủ tịch HĐND, cần công tâm, khách quan, vì lợi ích của TPHCM mà tiến hành. Khâu này đóng vai trò quyết định. Hai là, vai trò của đại biểu HĐND - những người trực tiếp bỏ phiếu, ngoài nắm bắt được những thông tin từ người được lấy phiếu tín nhiệm, từ cơ quan đơn vị của người được lấy phiếu tín nhiệm, còn phải có những thông tin khác, sát thực bằng cách này hay cách khác để có cái nhìn, đánh giá khách quan cho người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bằng trách nhiệm chính trị, đạo đức của mình xứng đáng với sự ủy thác của cử tri. Ba là, vai trò của MTTQ. Người đứng đầu MTTQ phải dũng cảm, dám nói, không bao giờ lùi bước trước những sức ép, lợi ích nhóm hay thế lực nào trong bộ máy của chúng ta. Vì thế phải đổi mới hoạt động của MTTQ, tăng cường giám sát phản biện, không thể để dân chủ hình thức. Nếu đồng bộ như thế việc bỏ phiếu tín nhiệm này sẽ thành giải pháp hữu hiệu và nó sẽ chấm dứt hiện tượng, cứ có lỗi thì xin lỗi, sai thì hứa sửa nhưng cuối cùng “xuân thu nhị kỳ”, đâu lại vào đấy.

  • Xử cả cán bộ “vo tròn” vì sợ mất phiếu

* Nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại vì sợ mất phiếu cán bộ sẽ không dám làm, không dám quyết, như vậy lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ có tác dụng ngược?

* Tôi nghĩ đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng”. Cán bộ làm sai bị xử lý là chuyện đương nhiên nhưng người “vo tròn” không dám làm gì hết cũng bị xử lý. Ở TP chúng ta, theo tôi không đến mức đó bởi cán bộ, đảng viên hôm nay có nhận thức và trách nhiệm rất cao đối với Đảng bộ và nhân dân TP. Hiện nay đang tiến hành kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy sẽ không có chuyện cán bộ tiếp tục dựa dẫm vào cấp ủy, dĩ hòa vi quý, nói một đằng làm một nẻo được.

Tôi không lạc quan nhưng cũng không bi quan về việc này, vì mới nên khó làm bởi Đảng ta đã có đủ nghị quyết, quan điểm; Nhà nước ta có đủ về mặt văn bản pháp luật. Bản thân từng cán bộ công chức có đủ nhận thức để biết mình cần thay đổi. Nếu sợ mất phiếu không dám làm, không dám quyết thì không thể ngồi trong bộ máy được. Vì thông qua bỏ phiếu tín nhiệm, hai năm liên tiếp kết quả phiếu tín nhiệm thấp thì cũng phải từ chức nếu không sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. 

"HĐND phải công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp và các vấn đề nào cần bỏ phiếu tín nhiệm; thời điểm nào bỏ phiếu tín nhiệm, danh sách cần bỏ phiếu, lý do bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu phải công khai để người dân giám sát. Nếu công khai, minh bạch thì hiệu quả sẽ thấy rõ. Những yếu kém của chúng ta thời gian qua một phần do thiếu minh bạch, thiếu công khai. Chính sự đặc quyền, đặc lợi cộng với không chịu trách nhiệm, không chịu giải trình đã trở thành nạn tham ô, tham nhũng, thoái hóa, quan liêu"

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục