“Đất sạch” cho các trường đại học: Cần cách làm mới

3 năm chưa đền bù được 1m² đất
“Đất sạch” cho các trường đại học: Cần cách làm mới

Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu để phát triển quốc gia, nhưng hiện nay các chính sách giúp các trường đại học, cao đẳng phát triển về quy mô lẫn chất lượng vẫn chưa đáp ứng kịp. Một trong những điều đáng lo là những dự án quy hoạch xây dựng trường đại học tại TPHCM vẫn bị treo hàng chục năm nay do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Sau 13 năm thành lập, Trường ĐHDL Văn Hiến vẫn chưa có cơ sở chính mà phải đi thuê mướn. Ảnh: T.HÙNG

Sau 13 năm thành lập, Trường ĐHDL Văn Hiến vẫn chưa có cơ sở chính mà phải đi thuê mướn. Ảnh: T.HÙNG

3 năm chưa đền bù được 1m² đất

Rất nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tại TPHCM được giao đất để xây dựng, phát triển cơ sở mới từ nhiều năm trước, nhưng đến nay đều chung tâm trạng “không nhận thì hết phần mà nhận thì không biết đến bao giờ mới giải tỏa, đền bù xong để xây dựng trường”.

Trường ĐH DL Văn Lang được chính phủ giao 5,2ha đất tại quận Gò Vấp, từ tháng 8-1998. Ngót 12 năm, khu đất này mới được giải phóng 69% mặt bằng, phần diện tích còn lại hiện vẫn đang được nhà trường tiếp tục thương lượng với người dân tại đây.

Tuy nhiên xác định đến khi nào sẽ giải phóng hoàn toàn phần đất còn lại để xây dựng, đại diện nhà trường không thể khẳng định, vì tất cả còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận với người dân. “Vấn đề là  phải tính giá cả làm sao cho thuận cả đôi bên để người dân lẫn nhà trường đều hài lòng, đồng thuận là điều phải đắn đo nhất” - TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH DL Văn Lang chia sẻ.

Còn trường ĐH Ngân hàng TPHCM được cấp 10 ha đất ở huyện Nhà Bè để xây dựng cơ sở mới. Tuy nhiên để có “đất sạch”, TP đề nghị nhà trường ứng trước kinh phí thực hiện đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa.

“Để đền bù giải tỏa xong phần đất này phải tốn khoảng 50 tỷ đồng. Đây cũng là kinh phí hoạt động mỗi năm của trường (trong đó Nhà nước cấp 10 tỷ đồng) gồm: chi trả lương cho 200 giảng viên cơ hữu, đầu tư trang thiết bị… Nếu trường dùng kinh phí này để đền bù giải tỏa thì phải ngưng hoạt động một năm. TP giao cho trường bài toán không có lời giải” - ông Ngô Hướng, hiệu trưởng nhà trường ưu tư.

Trong khi đó, Trường ĐH DL Văn Hiến đã tròn 13 tuổi nhưng vẫn chưa có “một tấc đất cắm dùi”, tất cả 4 cơ sở hiện tại đều phải đi thuê mướn. Đây cũng là mẫu số chung của các trường ĐH ngoài công lập tại TPHCM. Năm 2007, sau khi nhà trường được nhận khu đất 5,7ha tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, liền xây dựng bản thiết kế mô hình trường, lập ban quản lý dự án…

Ông Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng nhà trường, ngán ngẩm cho hay: Từ 2007 đến nay, đã 3 năm rồi nhưng trường chưa đền bù giải tỏa được một mét vuông đất nào cả. Đã vậy, giá đền bù giải tỏa thì ngày một leo thang, nên kế hoạch đến năm 2013 sẽ chuyển toàn bộ sinh viên về học tại cơ sở này rất mờ mịt…

Trường Đại học Khoa học tự nhiên tại khu Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Trường Đại học Khoa học tự nhiên tại khu Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một trong những dự án quy hoạch lớn nhất cả nước là khu quy hoạch xây dựng ĐH Quốc gia TPHCM, với hơn 600ha, nhưng đến nay đã 15 năm mà khu đô thị ĐH vẫn còn cảnh “3 nhà” - nhà dân, nhà trường và doanh nghiệp - cùng sống chung. Nguyên nhân lớn vẫn chính là đền bù giải tỏa chưa xong.

Đề xuất giải pháp mới

Báo cáo về vấn đề này trước các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, cho biết: TP đang gấp rút hoàn chỉnh quy hoạch lại mạng lưới trường lớp và diện tích đất đai cho các trường ĐH, vì hiện nay dân số của TP đã lên đến 9,3 triệu người… Với tốc độ gia tăng dân số, tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, nếu TP không gấp rút quy hoạch thì e rằng sau này khi có tiền cũng không làm được. TP cũng rất trăn trở làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho các trường ĐH phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi thực thi các chính sách pháp luật vào thực tế thì đúng là lúng túng.

Thật ra TP đã rất nỗ lực để hỗ trợ các trường nhưng việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng theo sát giá thị trường… phải theo quy định của luật. Do đó, tất cả chủ đầu tư khi giải phóng mặt bằng trước hết phải có chương trình tái định cư rất cụ thể. Nếu trung ương giao TP phải giải phóng mặt bằng, giao “đất sạch” cho các trường ĐH và hàng năm có phần điều tiết ngân sách… thì có lẽ tốt hơn.

TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH DL Văn Lang, phân tích: Tại sao quy hoạch các khu công nghiệp, các sân golf đều thực hiện nhanh chóng còn đất quy hoạch cho các trường thì không có đất sạch. Nên chăng nhà nước cứ xây đi rồi cho các trường thuê, đồng thời trường sẽ trả tiền đất cho nhà nước theo thời hạn thỏa thuận có thể 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm. Nếu cứ giao đất như hiện nay rồi để các trường tự lo đền bù giải tỏa thì không biết bao giờ mới có được một ngôi trường mới.

Tán thành với ý kiến trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, ông Ngô Hướng, cho rằng để các trường tự lo giải tỏa, đền bù là rất khó khăn, nhà nước nên phát hành và sử dụng trái phiếu chính phủ để đầu tư cho việc này. Đây là cách làm mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đã làm được và chúng ta nên làm theo cách này trong điều kiện ngân sách có hạn.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng quy hoạch lại đất đai cho các trường. Sắp tới các văn bản pháp lý sẽ được hoàn thiện và sẽ có cơ chế rõ ràng về vấn đề này. Hy vọng rằng, trong năm 2010, cùng với nhiều chính sách mới từ trung ương, sẽ có nhiều giải pháp mới khả thi để xóa các dự án treo cho các trường ĐH tại TP.

Quy hoạch đất cho các trường tại TPHCM

Tính đến năm 2010, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho các trường ĐH, CĐ và trung học chuyên nghiệp là 1.922,73ha. Trong đó, 762,35ha đã được bố trí, 1.160,38ha chưa bố trí. Quỹ đất được quy hoạch tập trung tại phía Tây Bắc (huyện Hóc Môn, Củ Chi) hơn 660ha, phía Nam (quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) chiếm tới 847,36ha và phía Đông Bắc thành phố (quận 9, Thủ Đức) có 414,65ha nhưng đã được sử dụng hết.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục