“Đất sạch” cũng gặp khó

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết trong năm 2016 sẽ có 17 khu đất với diện tích 8,7ha, sẽ được đem ra đấu giá quyền sử dụng đất. Danh mục này đã được UBND TP phê duyệt.
“Đất sạch” cũng gặp khó

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết trong năm 2016 sẽ có 17 khu đất với diện tích 8,7ha, sẽ được đem ra đấu giá quyền sử dụng đất. Danh mục này đã được UBND TP phê duyệt.

Mới đây, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp, đã tổ chức đấu giá thành công 2 khu đất và tiếp tục tổ chức đấu giá 9 khu đất đã duyệt từ năm 2015. Còn lại 5 khu đang trình hội đồng thẩm định giá và khu đất gồm 13 nền tại xã Phước Lộc, huyện Cần Giờ giao bán chỉ định, không thông qua đấu giá.

Thông tin giá “nhảy múa”

Tuy là “đất sạch” nhưng quá trình thực hiện công tác đấu giá, theo Sở TN-MT, cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là vấn đề xác định giá, việc triển khai thẩm định các chứng thư xác định giá đất để tính hệ số bồi thường cho các dự án và các chứng thư thẩm định giá đất để xác định tiền sử dụng đất được thực hiện theo Thông tư 36/2014 của Bộ TN-MT nhưng thông tư này hiện còn nhiều vướng mắc. Thông tư yêu cầu phải sử dụng các tài sản đã giao dịch thành công và các thông tin so sánh, chứng minh khác kèm theo phiếu điều tra do đơn vị tư vấn thu thập, phỏng vấn để xác định giá đất. Phương thức này khác so với các phương pháp thẩm định trước đây do ngành tài chính thực hiện. Một số trường hợp thời gian thẩm định, phê duyệt chứng thư thẩm định giá kéo dài dẫn đến hết thời hạn, hiệu lực, đơn vị tư vấn không chấp nhận thẩm định lại. Do đó, trong quá trình giải quyết, Sở TN-MT cũng có nhiều văn bản báo cáo đề xuất UBND TP xem xét để giải quyết nhanh việc xác định hồ sơ giá đất nhưng đến nay nhiều nội dung vẫn chưa được tháo gỡ.

Khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 được bán đấu giá. Ảnh: THÀNH TRÍ

Việc xác định giá đất nông nghiệp theo giá thị trường để tính bồi thường, nhất là các khu vực ngoại thành cũng gặp khó khăn do giá chuyển nhượng đất nông nghiệp thuần ở khu vực nông thôn không đủ thông tin hoặc nếu có thì cũng rất thấp. Trong khi theo quy định của Luật Đất đai thì giá bồi thường được xác định phù hợp với giá thị trường và không còn chính sách hỗ trợ như các quy định trước đây, trừ đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra do vướng một số quy định cũng khiến quá trình thu hồi đất kéo dài. Chẳng hạn, Luật Đất đai và Nghị định 43/2014 (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) quy định việc tổ chức thu hồi đất phải thực hiện hoàn trả chi phí đầu tư trên đất cho tổ chức hoặc người bị thu hồi trước khi thực hiện công tác thu hồi đất, làm kéo dài thời gian thu hồi đất. Một số trường hợp thu hồi đất nằm ngoài quy định của Nghị định 43/2014 và Quyết định 09 nhưng chưa có cơ chế giải quyết nên Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng phải sàng lọc, đề xuất phương án giải quyết riêng cho từng trường hợp cũng làm kéo dài thời gian thu hồi đất.

Đất nhỏ có tiềm năng?

Phần lớn các khu đất được đem ra đấu giá năm 2016 là đất ở, nhà phố liên kế nên diện tích mỗi khu không quá lớn. Thời gian trước, việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất có diện tích nhỏ, vị trí không đắc địa thường phải tổ chức nhiều lần vì vắng người mua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng bất lợi này có thể sẽ chuyển thành lợi thế. Bởi lẽ hiện nay rất nhiều dự án bất động sản lớn mắc kẹt vốn cũng như khó khăn về thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai, dự án đã chuyển nhượng cũng chậm hoàn thiện pháp lý cho khách hàng…  thì những mảnh đất nhỏ và hoàn chỉnh về pháp lý có thể sẽ được ưu chuộng hơn.

Ngoài 17 khu đất đem đấu giá, theo kế hoạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN-MT, cũng tiếp nhận thêm 12 khu đất với diện tích 16,7ha, đồng thời lập kế hoạch thu hồi 136ha đất tại quận 9, thuộc quỹ đất vành đai 2 trình UBND TP phê duyệt.

 
Tân Hoàng Minh đổi ý, lại muốn mua khu đất 23 Lê Duẩn

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp TPHCM, cho hay Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) vừa có văn bản xin tiếp tục mua khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1. Khu đất này được đưa ra bán đấu giá vào năm 2015, Công ty Tân Hoàng Minh trúng đấu giá với mức 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa khi UBND TP phê duyệt kết quả đấu giá thì công ty này cũng đồng thời có văn bản đề nghị hủy kết quả đấu vì cho rằng có sai phạm về bước giá. Việc xử lý kết quả trúng đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn vẫn đang được UBND TP xem xét, chưa có quyết định cuối cùng thì Công ty Tân Hoàng Minh đột ngột xin mua trở lại.

Theo ông Sỹ, số tiền đặt cọc đấu giá 83,7 tỷ đồng của công ty này đã được chuyển vào Kho bạc nhà nước. Theo quy định, nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà đơn vị trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản thì phải nộp phạt và có thể hủy kết quả đấu giá, đơn vị trúng đấu giá sẽ mất tiền đặt cọc. Thế nhưng đến nay đã hơn 14 tháng kể từ khi trúng đấu giá, Công ty Tân Hoàng Minh chưa nộp tiền mua tài sản cũng chưa đóng phạt.

Khánh Lê

Tin cùng chuyên mục