Từ khi có các đội viên của “Dự án 600 phó chủ tịch xã”, công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Đam Rông - nơi được coi là “rốn nghèo” của tỉnh Lâm Đồng đã có những kết quả khả quan, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Mang trong mình khát khao có thể làm đổi thay bộ mặt quê hương nghèo khó, Lơ Mu Ha Póh về nhận nhiệm vụ tại xã Rô Men với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã theo đề án 600. Với tấm bằng cử nhân kế toán của Trường Đại học Đà Lạt, chàng cán bộ trẻ Ha Póh trở về phục vụ quê hương khi nơi ấy còn giữ nhiều tập tục cổ hủ, cái đói cứ đeo bám đời sống của bà con. Nhận thấy vấn đề nghèo khó không chỉ nằm ở điều kiện tự nhiên khó khăn, mà còn ở ý thức người dân, nên Ha Póh không vội đưa “cây, con” về phổ biến mà đi vào thay đổi nhận thức của dân làng mình. Nói thì dễ nhưng để thay đổi những tập tục lâu đời không hề dễ. Là người con của buôn làng nhưng Ha Póh cũng gặp khó khăn và mất nhiều thời gian mới “gỡ” được cho người trong dòng họ, rồi sau đó mới tính chuyện đi vận động các hộ trong xã. Như chuyện cưới hỏi, con gái muốn “bắt” chồng sẽ chịu những khoản thách cưới nặng nề từ nhà trai, có khi phải vay mượn mấy con trâu để làm sính lễ. “Mình vận động bà con vẫn giữ phong tục đó nhưng chỉ làm ở dạng hình thức, nếu có tài sản thì cho vợ chồng trẻ tạo vốn để làm ăn, bớt gánh nặng nợ nần về sau. Hay như trước đây, khi đau ốm, người dân thường tìm thầy mo cúng, nhưng giờ tình trạng đó đã được loại bỏ, người nào ốm đau cứ ra trạm xá gặp bác sĩ khám bệnh và lấy thuốc”, Ha Póh chia sẻ.
Lơ Mu Ha Póh hướng dẫn người dân chăm sóc cây công nghiệp.
Sau khi tạo được tin tưởng trong cộng đồng, Ha Póh mới cùng cán bộ trong xã hướng dẫn bà con làm kinh tế. Ha Póh vận động bà con từ bỏ cách thức lao động cũ, thay vào đó làm theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông, chỗ nào phù hợp với cây lúa thì trồng lúa, thích hợp với cây công nghiệp thì trồng cây công nghiệp. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo tại Rô Men là 31%, đến năm 2014 giảm chỉ còn 6%; xã có quá nửa là người dân tộc thiểu số nhưng đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Với những đóng góp đó, tháng 6-2014, Lơ Mu Ha Póh được cử đi Hàn Quốc tập huấn, đến tháng 12-2014 được điều động về giữ chức Chủ tịch UBND xã Đạ Long khi mới 27 tuổi.
Với Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông Võ Văn Bền thì thử thách đầu tiên chính là rào cản ngôn ngữ. Anh là người Kinh, trong khi xã có hơn 95% dân số người M’nông và K’Ho. Cùng lúc anh phải học tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số để dễ dàng tiếp xúc, lắng nghe, đồng thời vận động bà con thay đổi tập quán làm lúa 1 vụ. Khi ấy nhiều người chỉ gieo lúa xuống sau đó “phó mặc cho ông trời” được thì ăn, bệnh dịch mất mùa thì chịu nên có tình trạng đói giáp hạt diễn ra thường xuyên. Anh Võ Văn Bền mạnh dạn đề xuất với UBND xã, rồi lên huyện tìm thêm sự hỗ trợ thực hiện phương thức canh tác đồng bộ trên diện tích của xã. Anh hướng dẫn và bắt tay cùng bà con sản xuất đại trà, đồng vụ, gieo giống, bón phân, chăm sóc, thu hoạch đúng thời điểm, một năm trồng 2 vụ. Bây giờ, xã Đạ M’Rông có 180ha lúa sản xuất theo phương thức mới, ngoài ra nhân dân trong xã còn cải tạo đất bồi trồng rau màu, nên cái đói được đẩy lùi.
Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông Võ Văn Bền hướng dẫn người dân cách sử dụng bộ theo dõi mật độ sâu bướm để biết cách phòng ngừa.
Đánh giá về “Dự án 600 phó chủ tịch xã” của Chính phủ trên địa bàn, ông Trần Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, nói: “Hiệu quả đã rõ rồi, cán bộ trẻ được đào tạo chính quy sẽ tạo ý thức làm việc chỉn chu, bài bản. Những cán bộ là người dân tộc thiểu số còn có lợi thế ở chỗ am hiểu tập quán, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chịu khó lặn lội với bà con. Bên cạnh đó, sức trẻ và sự nhiệt huyết cống hiến của họ sẽ là điều cần thiết để giúp địa phương thay đổi”.
ĐOÀN KIÊN