Báo SGGP đang tiến dần đến cột mốc kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển. Trong chặng đường vẻ vang ấy, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, báo còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa, mang tầm vóc quốc gia và khu vực. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn là một trong những hoạt động ấy. Phát động đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2009), Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Chương trình đã vận động được gần 140 tỷ đồng, xây dựng 1.351 căn nhà tình nghĩa, 17 bệnh xá quân dân y, 4 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn; xây dựng lại toàn bộ bản văn hóa lịch sử Làng Ho (Quảng Bình); xây dựng, trao tặng thiết bị cho 3 trường học và trao hàng ngàn suất học bổng cho con em cựu chiến binh, cựu TNXP Trường Sơn cùng nhiều công trình dân sinh khác.
Ý tưởng từ một chuyến đi
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn 559, Ban Biên tập Báo SGGP chủ trương mở đợt tuyên truyền sâu đậm về con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ngoài việc đưa tin bài về lịch sử hình thành và phát triển của Đoàn 559, sau này là Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, gắn với những chiến công vang dội của quân và dân ta, báo đã cử một nhóm phóng viên trở lại Trường Sơn, đến những bản làng heo hút, những địa danh đã từng là chiến trường ác liệt năm xưa để viết bài.
Loạt phóng sự nhiều kỳ Trở lại Trường Sơn huyền thoại của nhóm phóng viên chính trị do nhà báo Nguyễn Đức (Nguyễn Đức Quang), Trưởng ban Chính trị trực tiếp thực hiện, đã có tác dụng xã hội tốt. Vượt đèo, lội suối, có mặt ở những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch trước đây, trực tiếp chứng kiến thực trạng đời sống của người dân dọc đường Trường Sơn, nhóm phóng viên đã bức xúc trước cảnh nghèo khó của bà con các dân tộc, các di tích lịch sử đang bị xuống cấp, lãng quên.
Các phóng viên đã kiến nghị với Ban biên tập nối dài loạt bài bằng việc mở cuộc vận động hướng về Trường Sơn để huy động nguồn lực xã hội thực hiện các công trình dân sinh nhằm đền ơn đáp nghĩa những vùng đất và những con người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Ý tưởng đúng, hợp lòng dân. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã ra đời với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.
Sự đồng thuận chí tình
Phải nói, cuộc vận động hợp lòng dân nên ngay từ khi phát động đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt các nhà tài trợ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, sau khi nghe Ban Biên tập Báo SGGP báo cáo, ủng hộ ngay. Chủ tịch nước gửi thư động viên Ban Biên tập Báo SGGP và kêu gọi bạn đọc của báo, trong đó có các doanh nghiệp làm nòng cốt ủng hộ chương trình.
Mở đầu giai đoạn 1 (2009 - 2011), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đăng ký ủng hộ trên 40 tỷ đồng để xây dựng 600 nhà tình nghĩa, 2 đền thờ liệt sĩ và hàng ngàn suất học bổng. Cùng với Vietcombank, ngay đêm phát động đã có hàng chục đơn vị và cá nhân đăng ký ủng hộ chương trình với số tiền lên tới trên 50 tỷ đồng. Các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, TPHCM và hàng triệu bạn đọc trong nước và nước ngoài, qua các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí của Trung ương và địa phương đã cổ vũ chương trình.
Mọi người khó có thể quên lời phát biểu chân tình, cảm động xuất phát từ trái tim người lính của CCB Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Hòa Bình. Trên 50 tỷ đồng là món quà tri ân đất và người đã làm nên Trường Sơn huyền thoại.
Trên cả dự kiến, phát huy kết quả giai đoạn 1, Báo SGGP tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2011 - 2013) của chương trình, với sự đồng hành của nhà tài trợ chính - Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank). Ngay đợt đầu tiên, Vietinbank đã cam kết ủng hộ trên 50 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận, số tiền đầu tư cho các công trình đều tăng so với giai đoạn 1. Ví dụ, nâng số tiền xây dựng cho mỗi căn nhà tình nghĩa từ 30 triệu đồng (giai đoạn 1) lên 45 triệu đồng (giai đoạn 2). Mỗi bệnh xá quân dân y từ 1 tỷ lên 2 tỷ đồng.
Cùng với VietinBank, nhiều nhà tài trợ đã vào cuộc. Kết thúc đêm gala sơ kết giai đoạn 1, ban tổ chức đã nhận được trên 70 tỷ đồng do các đơn vị đăng ký. Đồng chí Phạm Huy Hùng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VietinBank, bày tỏ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo SGGP để thực hiện chương trình tình nghĩa này. Cảm ơn Báo SGGP đã tạo cơ hội cho cán bộ, CNVC VietinBank góp phần vào công cuộc đền ơn đáp nghĩa với con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và những con người đã làm nên Trường Sơn huyền thoại”.
Tính đến nay đã có hơn 100 đơn vị và hàng ngàn bạn đọc với nhiều cách khác nhau, tham gia, ủng hộ chương trình. Nhiều câu chuyện cảm động của các bà mẹ chiến sĩ, những người chị gái, em gái hậu phương năm xưa và cả các cụ già, các cháu thiếu nhi khắp miền đất nước hưởng ứng cuộc vận động giàu chất nhân văn và thiết thực này.
Dấu ấn nghĩa tình
Điều bất ngờ đối với những người tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn là sức sống của chương trình thật mạnh mẽ. Dồn sức cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tờ báo Đảng, Báo SGGP còn thực hiện nhiều chương trình xã hội gây ấn tượng tốt như: Văn hay chữ tốt, giải thưởng Tôn Đức Thắng, Võ Trường Toản, Quả bóng vàng Việt Nam, Thương hiệu Việt yêu thích….
Ban biên tập dự kiến chỉ nối dài đợt tuyên truyền về con đường Trường Sơn huyền thoại bằng một cuộc vận động ngắn ngày. Nhưng thực tế, càng làm, cuộc vận động càng có sức sống. Bên cạnh các nhà tài trợ chiến lược như các ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, còn có sự đồng hành hiệu quả của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần XNK Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Quỹ Thiện Tâm và nhiều doanh nghiệp, bạn đọc trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Vì sao làm được như vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, Ban Biên tập Báo SGGP đã xác định mục tiêu của chương trình vừa có ý nghĩa thiết thực vừa có ý nghĩa lâu dài.
Thiết thực là việc xây dựng các công trình dân sinh, góp phần cải thiện mức sống của các gia đình CCB và cựu TNXP Trường Sơn, như xây dựng nhà tình nghĩa, bệnh xá, làng văn hóa, cầu đường, trường học và trao học bổng…
Lâu dài là việc đầu tư xây dựng các đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn ngay chính các trọng điểm đánh phá năm xưa, về lâu dài như một cột mốc biên cương; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Truyền hình TPHCM xây dựng phóng sự nhiều kỳ (trên 50 tập) với chủ đề Trở lại Trường Sơn huyền thoại nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người với con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thứ hai, việc triển khai chương trình có nét độc đáo. Phần lớn số tiền tài trợ đều được chuyển thẳng từ nhà tài trợ đến đối tượng thụ hưởng.
Những công trình có giá trị lớn đều do UBND các địa phương (cấp tỉnh) hoặc các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm làm chủ đầu tư. Các công trình đều được triển khai đúng quy định của pháp luật. Để bảo tồn và nâng giá trị sử dụng số tiền tài trợ, ngay từ đầu Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng triển khai các công trình. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng, đặc biệt các đơn vị dọc đường Trường Sơn huy động sức lao động của bộ đội và nhân dân tham gia chương trình.
Bằng cách làm đó, đồng tiền của nhà tài trợ còn “nguyên đai, nguyên kiện” chuyển đến người thụ hưởng; chất lượng và giá trị các công trình đã được nhân lên.
Điều đáng chú ý, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP từ Tổng Biên tập, Trưởng ban tổ chức đến cán bộ, nhân viên đều kiêm nhiệm thực hiện chương trình với trách nhiệm trái tim và tinh thần cống hiến. Ai cũng nghĩ, việc bỏ trí tuệ, công sức thực hiện chương trình chính là việc làm tri ân các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.
Thứ ba, sự tham gia có hiệu quả của các nhà tài trợ và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (với tư cách thành viên ban tổ chức giai đoạn 2) cùng các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các địa phương đã tạo cho chương trình sức sống mới.
Với kết quả ấy, sau 4 năm hoạt động, Báo SGGP - Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn và một số cán bộ, phóng viên đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM và các tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội tặng bằng khen. Đó là những phần thưởng cao quý. Song điều tâm đắc nhất của những người thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn là đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc đền ơn đáp nghĩa; tri ân các anh hùng, liệt sĩ và nhân dân ta, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, xương máu và mồ hôi cho con đường Trường Sơn huyền thoại, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nói riêng và sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nói chung. Đó cũng chính là dấu ấn nghĩa tình.
TP Hồ Chí Minh, tháng 10-2013
TRẦN THẾ TUYỂN
Nguyên TBT Báo SGGP, Nguyên Trưởng ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn