Dấu ấn phim truyền hình Việt

Gần đây, phim Việt trên sóng VTV đã tạo dựng được thương hiệu riêng, thu hút đông đảo khán giả Việt. Với cách thể hiện ngắn gọn, khai thác đề tài đa dạng trong cuộc sống, phim truyện trên VTV trong năm 2015 đang chuẩn bị một kế hoạch dài hơi, với nhiều đề tài nóng.
Dấu ấn phim truyền hình Việt

Gần đây, phim Việt trên sóng VTV đã tạo dựng được thương hiệu riêng, thu hút đông đảo khán giả Việt. Với cách thể hiện ngắn gọn, khai thác đề tài đa dạng trong cuộc sống, phim truyện trên VTV trong năm 2015 đang chuẩn bị một kế hoạch dài hơi, với nhiều đề tài nóng.

Phim chất lượng - lượng theo dõi cao 

Nhìn lại những bộ phim tạo được dấu ấn trong năm 2014 có thể kể đến thể loại phim dài tập có chất lượng tương đối đồng đều, đa dạng về đề tài tâm lý xã hội như: Làng ma mười năm sau, Bánh đúc có xương, Vừa đi vừa khóc; đề tài hình sự có Dấu chân du mục; đề tài chiến tranh cách mạng có Đường lên Điện Biên... Có thể thấy rõ sự dụng công của nhà sản xuất và tác giả phim trong tất cả các khâu như quy mô sản xuất, quay phim, diễn viên... Các nhà làm phim xã hội hóa đang nỗ lực hướng tới chất lượng nghệ thuật cũng như tính chuyên nghiệp trong nghiệp vụ làm phim, mà sự áp dụng công nghệ - kỹ thuật mới cho phim đã được lưu tâm đang kể. Và đáng vui mừng hơn là chính những phim có xu hướng nghệ thuật lại cũng là những phim có lượng theo dõi cao trên sóng VTV.

Diễn viên Lê Bê La và Linh Sơn trong phim Dấu chân du mục.

Về thể loại phim ngắn tập và phim 90 phút với 26 phim được sản xuất và phát sóng, có thể thấy đây chính là dòng phim làm nên sự khác biệt của phim truyện truyền hình lâu nay. Loạt phim 90 phút có chất lượng vượt trội cả về sự tìm tòi ý tưởng cũng như phương pháp thể hiện. Nếu phim Vô cảm cho thấy ý tưởng triết lý nhân sinh của tác giả kịch bản và bàn tay nghiệp vụ của đạo diễn thì phim Tu hú lạc bầy lại cho thấy góc nhìn đặc biệt nhân ái của các tác giả phim đối với những phận người, phim Cây búa màu ánh bạc lại cho thấy sự chuẩn xác cả từ trong các tình tiết nhỏ nhất, đến tính hợp lý của mỗi tình huống, vốn là điều tối cần thiết đối với thể loại phim điều tra hình sự. Bên cạnh đó còn các phim như: Công chúa nhỏ, Ảo thuật, Nỗi đau giấu kín hay Nụ cười của nắng, Miền chân sóng, Đường tới đích...

Sau 2 năm quay trở lại, dòng phim 90 phút của VTV cho thấy nỗ lực của các nhà làm phim xã hội hóa trên con đường hướng tới chất lượng nghệ thuật. Nó cũng cho thấy sự trưởng thành của dòng phim một tập sau thời gian dài gián đoạn trên sóng truyền hình, nay đã lấy lại được vị thế đáng trân trọng.

Nhiều kịch bản hay

Chuẩn bị cho phim phát sóng năm 2015, nhiều phim đã được lên lịch. Có thể thấy dòng phim tâm lý xã hội hiện đại đang chiếm ưu thế. Mỹ nhân Sài thành kể về số phận ba người đẹp Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975). Chuyện phim mở đầu với cuộc thi “Người đẹp xứ Nam kỳ”. Bạch Trà đoạt vương miện hoa hậu, Hồng Trà và Tuyết Trà đoạt nốt hai giải á hậu. Từ đó, trên đường mỗi người một ngả. Bạch Trà, con một gia đình khá giả, được giác ngộ cách mạng, trở thành điệp viên nằm vùng trong phòng nhì của Pháp, cung cấp cho cách mạng một số thông tin hữu ích. Tuyết Trà cũng lấy chồng, nhưng do không làm chủ được mình nên dần sa đà vào chốn cờ bạc, dẫn đến thân tàn ma dại. Số phận đưa đẩy, cả ba người đẹp gặp lại và gắn kết với nhau, cùng tham gia cách mạng. Truyện phim lấy bối cảnh Sài Gòn từ năm 1950 đến năm 1975 hứa hẹn nhiều hấp dẫn. Số phận ba cô gái đẹp cũng có nhiều tình tiết sống động. Dàn diễn viên chuyên nghiệp, phù hợp với vai diễn như: Ngân Khánh, Khánh My, Dương Mỹ Linh...

Hận thù hóa giải đề cập đến sự đấu tranh vượt qua mặc cảm từ lịch sử để lại của Phúc - người lính cách mạng bị chấn thương não. Bên cạnh Phúc là Hoàng, Lanh… những nhân vật điển hình cho sự mất mát, đớn đau vì cuộc chiến. Bên cạnh đó là tình yêu, sự xóa bỏ ngăn cách giữa hai bên trong quá khứ, đến với nhau trong sự cảm thông để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Kịch bản hay, hấp dẫn, câu chuyện mạch lạc, rõ ràng, đậm chất văn học. Bên cạnh việc ca ngợi sự hy sinh của những người lính năm xưa, nay trở về tiếp tục xây dựng đất nước là số phận những người trẻ trong thời kỳ đất nước chuyển mình, họ phải đối mặt với rất nhiều thử thách để chọn cho mình con đường đi đúng và chính nghĩa. Phim có sự tham gia của các diễn viên: Thương Tín, Dương Cẩm Linh, Mỹ Duyên...

Phim Người đứng trong gió phản ánh đời sống ở vùng đất Tây Nguyên gắn chặt với những vấn đề nóng bỏng: bảo vệ động vật quý hiếm, ngăn chặn dã tâm của kẻ xấu đang hủy hoại mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, môi trường. Thông qua số phận gia đình ông Nguyễn Đạt, chủ trang trại nuôi ngựa, tác giả đã khắc họa được đời sống rất đặc thù của địa phương với những số phận và tính cách riêng biệt. Cuộc đời éo le của Nguyên Thảo do đã tin yêu, gửi gắm cả tâm hồn cho Khánh, để rồi trở thành nạn nhân trước những mưu toan của anh ta... Nhưng chuyện phim không bị chìm trong bi kịch mà còn thể hiện cuộc đấu tranh quyết liệt của gia đình ông Nguyễn Đạt chống lại cái xấu, cái ác, đem lại cho người xem niềm tin vào cái thiện, cái chính nghĩa. Tham gia phim có các diễn viên: Thân Thúy Hà, Mạnh Trường, Đào Bá Sơn...

THU HUỆ

Tin cùng chuyên mục