Dấu ấn văn hóa Ấn Độ

Có thể nói, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nơi có ảnh hưởng lớn từ nền văn minh Ấn Độ, nền văn minh nổi tiếng thuộc những nền văn minh cổ nhất thế giới. Chính vì vậy, trong buổi Hội thảo khoa học quốc tế “Dấu ấn Ấn Độ trong tiếp biến văn hóa ở Việt Nam và Đông Nam Á”, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, tiến sĩ Deepak Mittal, ví các nước Đông Nam Á như những nước láng giềng mở rộng của Ấn Độ, đây là những quốc gia mà Ấn Độ đã cùng chia sẻ những kết nối về kinh tế và văn hóa trong nhiều thế kỷ qua.

“Những kết nối giữa Ấn Độ và Việt Nam từ thế kỷ thứ hai và từ những viên gạch cùng điêu khắc của nền văn minh Chăm ở Việt Nam được mô tả như những công trình vượt thời gian về giao thoa văn hóa lịch sử giữa hai nước chúng ta”, tiến sĩ Mittal dẫn kết luận của các nhà sử học để nói về dấu ấn văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam.

Cuộc hội thảo do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức vào ngày 3-10 quy tụ nhiều nhà khoa học từ Việt Nam và Ấn Độ. Bàn về ảnh hưởng của Ấn Độ với Đông Nam Á thông qua tôn giáo, GS-TS Ngô Văn Lệ, Đại học KHXH&NV TPHCM, cho rằng, rõ nét nhất có 2 tôn giáo tại Việt Nam du nhập từ Ấn Độ, đó là Bà La Môn giáo và Phật giáo, ngoài ra, tuy không ra đời ở Ấn Độ nhưng cũng thông qua Ấn Độ, Hồi giáo đã có mặt tại Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác. Những đền đài, chùa chiền, thánh thất… tại Việt Nam mang đậm dấu ấn các tôn giáo này, trong đó có Thánh địa Mỹ Sơn, chùa Trấn Quốc… Phật giáo và Bà La Môn giáo trong một giai đoạn dài đã chi phối, ảnh hưởng đến đời sống mọi mặt của cư dân Đại Việt và Chămpa.

Cùng chủ đề tôn giáo, GS-TS Mai Ngọc Chừ, Đại học KHXH&NV Hà Nội, nhấn mạnh đến khía cạnh chữ viết thông qua tôn giáo. Theo giáo sư, chữ Sanskrit đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo vào vùng Đông Nam Á. Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Thái Lan trở thành quốc giáo của nước này. Các triều đại của Thái Lan cũng đều gắn chặt với Phật giáo, đạo đức Phật giáo trở thành đạo đức xã hội. Riêng Malaysia và Indonesia, việc xây dựng và phát triển đất nước dựa trên sức mạnh của Hồi giáo với những dấu ấn sâu sắc từ nền văn hóa Ấn Độ.

Bài tham luận của nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ Paramjit S. Sahai nêu khía cạnh của ngoại giao văn hóa Ấn Độ. Nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, từ năm 1950, Ấn Độ đã thành lập Hội đồng quan hệ văn hóa (ICCR) với nhiều hoạt động về văn hóa tại nhiều nước. Ông Sahai dẫn lời tiến sĩ Karan Singh, Chủ tịch ICCR, cho rằng: “Văn hóa không có biên giới và việc sử dụng nó trong tương tác với công chúng sẽ là cách hiệu quả nhất để chinh phục tình cảm trong thời đại toàn cầu hóa”.

Theo Tổng lãnh sự Ấn Độ Deepak Mittal, Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết hiệp định hợp tác văn hóa từ năm 1976. Từ đó đến nay, hai nước không ngừng tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa trên nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, múa, kiến trúc, bảo tàng,… Đặc biệt là trong dịp đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2012. Theo ông Mittal, Ấn Độ đang xúc tiến thành lập Trung tâm văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa song phương, trong đó Hội khảo cổ học Ấn Độ sẽ tham gia bảo tồn và khôi phục các đền thờ Chăm ở Mỹ Sơn.

Tổng lãnh sự Ấn Độ cho rằng điều nổi bật trên hết trong việc giao lưu và truyền bá văn hóa của Ấn Độ đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á từ xưa đến nay diễn ra một cách vô tư và hòa bình, không mang tính áp đặt.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục