Đâu chỉ có bạo lực

Khi những tin xấu từ Bordeax, Marseille và Nice liên quan đến các vụ bạo lực được “dội” ầm ầm lên các mặt báo thì khi trở lại Paris, một cảm giác nhẹ nhõm sẽ đến nhanh với bạn, cứ như thể vừa được thoát ra khỏi một cuộc chiến vậy.

Nói đâu xa, hôm qua, phía trước sân Công viên các Hoàng tử, những nhóm CĐV Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia đã cùng nhau chứng minh cho người ta thấy EURO 2016 đâu chỉ có bạo lực. Những con đường quanh sân vận động nhuộm một màu đỏ, trắng. Đó là 2 màu sắc chủ đạo trên quốc kỳ của 2 quốc gia. Họ ôm nhau nhảy múa, cất tiếng hát và đem bầu không khí hội hè ấy vào sân mặc dù Thổ - Croatia  là một trong những cặp đấu được dự báo căng thẳng nhất EURO 2016 lần này. Hồi EURO 2008, đã có vụ đụng độ lớn ngoài đường phố Vienne khi 2 đội này cũng gặp nhau ở vòng tứ kết.

Trong khi đó, tại khu fanzone dưới chân tháp Eiffel, các CĐV đến từ Ireland phủ một màu xanh yên bình. Ông Gerry Delmar, người đứng đầu nhóm đặc vụ gồm 8 người của lực lượng an ninh Ireland cử sang hỗ trợ cảnh sát Pháp khẳng định một cách chắc nịch: “Đừng có lo cho các CĐV Ireland. Tôi mới từ chỗ fanzone về đây, bầu không khí rất tuyệt vời mặc dù đến ngày mai đội tuyển của chúng tôi mới ra sân”. Cũng theo ông Delmar, các CĐV Ireland có truyền thống đi du lịch xem bóng đá nên thừa kinh nghiệm “né” các nguy cơ đụng độ. Họ thậm chí còn khẳng định, các CĐV Anh nào không muốn dính líu đến bạo lực, cứ nhập hội với họ thì sẽ an toàn mà xem bóng đá.

Dưới góc nhìn của ông Delmar, cần phải có cái nhìn khác về bạo lực đang xảy ra ở nước Pháp. Các CĐV bóng đá thực thụ sẽ không bao giờ dính líu đến những cuộc đối đầu trên đường phố. Họ phải tốn rất nhiều tiền và thời gian để đến Pháp, điều duy nhất họ muốn thấy đó là niềm vui, là bầu không khí chan hòa với các người dân nước khác. Khi vào sân, mắt họ sẽ chẳng thể nào rời khỏi quả bóng, làm sao có thể tham gia các vụ đánh nhau để lỡ mất cơ hội của mình. Quan điểm của Delmat đã được nhiều phóng viên quốc tế có mặt tại Marseille chia sẻ. Một bài viết trên trang ESPN tường thuật từ tâm điểm các vụ bạo loạn khẳng định, cảnh sát Marseille đã thiếu trách nhiệm trong việc đề phòng những vụ đánh nhau trên đường phố. Việc của họ là xuất hiện và sử dụng ngay hơi cay để giải tán đám đông dù đó chỉ mới là một vụ xô xát nhỏ giữa người địa phương và các CĐV Anh đang có chút hơi men trong quán rượu. Thái độ bàng quang ấy còn thể hiện qua việc cảnh sát Marseille để cho một số VĐV Anh bị thương nằm trên đường phố thay vì tìm cách bảo vệ họ.

Bạo lực đang làm xấu đi hình ảnh của EURO 2016 nhưng với những gì mà tôi chứng kiến ở Paris hôm qua, có vẻ như chính truyền thông cũng như giới chức trách đã đẩy sự việc đi quá xa. Phải chăng, những áp lực về an ninh quá lớn đã làm nảy sinh những cái nhìn thiếu thiện cảm về những CĐV mà đại đa số họ đều là những người đáng mến…

Long Khang (từ Paris)

Tin cùng chuyên mục