Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, dự án vốn rất được người dân thành phố mong chờ là Khu Liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc (gọi tắt là Khu Liên hợp Rạch Chiếc) vẫn đang nằm trên giấy. Người làm thể thao ở TPHCM nói vui với nhau rằng đấy là “siêu dự án”, vì sau 25 năm mọi thứ thuộc về công trình quy mô ấy được nhắc đến vẫn đầy kỳ vọng như… ngày đầu tiên công bố.
Thậm chí, từ quỹ đất 466ha của ngày đầu, giờ đã bị cắt dần xuống chỉ còn 180ha. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đất nhiều hay ít, mà ở tốc độ hình thành dự án. Nếu để lâu thêm nữa, thể thao TPHCM lại chậm một bước so với Hà Nội, Đà Nẵng… trong nỗ lực đăng cai và tổ chức các sự kiện tầm cỡ châu lục và thế giới ở Khu Liên hợp thể thao đầy hứa hẹn này. Thể thao đỉnh cao của thành phố cũng chỉ mong dựa vào đó mà mạnh lên. Nên nhớ, quần thể sân vận động, nhà thi đấu đa năng, khu tập luyện, hồ bơi đủ đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất về đào tạo, từ năng khiếu đến các cấp độ đội tuyển ở các môn điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, bắn súng, cử tạ...
Hình thành Khu Liên hợp Rạch Chiếc cũng đồng nghĩa sẽ giúp ngành TDTT thành phố giải được bài toán bế tắc bấy lâu về cơ sở vật chất phục vụ cả 2 mảng phong trào lẫn đỉnh cao. Hiện tại, nhà thi đấu đa năng của 24 quận, huyện mới chỉ dừng ở mức đáp ứng vừa đủ cho phong trào, nhưng lại thiếu thốn sân bãi cho các tuyến VĐV năng khiếu, đội tuyển tập luyện thường xuyên. Thế nên mới xảy ra tình huống bi hài là nhiều đội tuyển cấp quận phải nhờ vả địa phương khác để có nơi cho VĐV tập huấn trước khi lên đường dự giải toàn quốc.
Ở cấp thành phố, sau khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tạm ngưng hoạt động vì sập trần, giờ chỉ còn lại các Trung tâm TDTT Hoa Lư, Thống Nhất, Phú Thọ, Yết Kiêu, tạm cho là đủ chuẩn đào tạo VĐV tài năng cho thành phố. Song, với nhu cầu tập luyện và phát triển ngày càng cao, hệ thống cơ sở vật chất như vậy đã dần trở nên lỗi thời, thiếu hụt.
Chính vì vậy, những người làm thể thao TPHCM mới trông đợi “công trình thế kỷ” Khu Liên hợp Rạch Chiếc sẽ sớm được lãnh đạo thành phố phê duyệt và xây dựng, để tương lai gần được chứng kiến những sự kiện hàng đầu khu vực, châu lục cũng như thế giới diễn ra tại đây. Cũng chính vì dự án này bị lãng quên quá lâu (từng nằm trong quy hoạch cho SEA Games 2003 khi Việt Nam là quốc gia đăng cai) mà TPHCM mất cơ hội xin đăng Asiad 2018 đầy tiếc nuối, dù đấy là sự kiện có thể kích thích sự phát triển không chỉ lĩnh vực thể thao, mà còn cả kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, giao thông… cùng cộng sinh để lớn mạnh.
Điều may mắn là mới đây, công trình mà người làm thể thao thành phố đau đáu suốt hơn 2 thập niên qua rốt cuộc đã tìm được lối ra, khi lãnh đạo UBND thành phố khẳng định sẽ phê duyệt sớm đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để kịp triển khai đầu tư xây dựng vào cuối năm 2017. Chủ đầu tư sẽ kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện xã hội hóa các hạng mục công trình có khả năng thu hồi vốn cao, còn ngân sách chỉ ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ xã hội.
Một thông tin đáng tin cậy khác nữa là UBND TPHCM đã chấp nhận cho Công ty cổ phần Thể thao Thái Sơn Nam đầu tư vào các hạng mục của khu tập luyện bóng đá, trung tâm đào tạo futsal, bóng chuyền, bóng rổ, văn phòng điều hành, khu lưu trú VĐV… với tổng vốn khoảng 34.000 tỷ đồng.
Với những động thái tích cực trên, người dân thành phố hy vọng sẽ sớm được chứng kiến những sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới diễn ra tại Khu Liên hợp Rạch Chiếc.
LÊ HÙNG