Hơn 11 năm qua, bà Mai Thị Tuyết (70 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) đã tự nguyện viết hơn 14.000 lá thư báo tin cho nhiều gia đình có người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ biết nơi an nghỉ của các liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Không quên những người ra trận
Thời còn trẻ, bà Mai Thị Tuyết ở tỉnh Nam Định, là nữ xã đội trưởng, luôn nhiệt thành vận động thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ. Đến khi đất nước thống nhất, bà theo chồng vào Nam, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM. Khi nghỉ hưu vào năm 2003, trở về thăm quê hương, hỏi thăm về các chiến sĩ mà mình đã vận động nhập ngũ ngày xưa, bà vô cùng đau xót khi hay tin nhiều người đã hy sinh nhưng gia đình chỉ có tấm giấy báo tử ghi “Hy sinh tại chiến trường miền Nam”. Một số gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt người thân đưa về quê hương mai táng, nhưng cũng còn rất nhiều gia đình vẫn canh cánh nỗi trăn trở khôn nguôi vì chưa biết nơi an nghỉ của người thân. Bà Tuyết kể: “Kể từ đó, tôi tâm nguyện rằng sẽ tận tụy đi tìm ra nơi an nghỉ của các liệt sĩ để báo cho thân nhân, xem đó là trách nhiệm với những người đã khuất”. Từ năm 2004, bà liên tục khăn gói lên đường đến các nghĩa trang liệt sĩ ghi nhận những trường hợp phần mộ chưa có người thân nhận.
Đêm nào phòng khách nhà bà Tuyết cũng sáng đèn, nhờ đó mà 14.000 lá thư đã được gửi tới thân nhân các liệt sĩ
Chỉ với hơn 3 triệu đồng tiền lương hưu mỗi tháng để làm lộ phí, với cơm nắm muối vừng, bà Tuyết cứ rong ruổi khắp các chiến trường xưa, đến từng nghĩa trang liệt sĩ, từ Củ Chi, Bình Phước, Tây Ninh, Long An… Đi xe buýt, xe ôm, đi bộ, hỏi thăm khắp nơi để lần tìm từng địa chỉ của các liệt sĩ. Rồi bà lại tìm đến các đơn vị quân đội để xin thông tin và danh sách liệt sĩ hy sinh của tất cả các tỉnh phía Bắc, xác định được người nào lập tức viết thư cho thân nhân người đó. Sau 10 năm gian khó như vậy, đến năm 2013, bà gặp ông Nguyễn Sỹ Hồ là người nắm nhiều tư liệu lưu trữ về thông tin các liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam, cảm kích việc làm của bà nên đã in một bản danh sách tặng bà. Kể từ đó, bà dừng đi tìm, mà tập trung viết thư liên lạc với các thân nhân liệt sĩ. Đêm nào phòng khách nhà bà cũng sáng đèn. Bà đã viết tổng cộng đến 14.000 lá thư để chuyển đi 14 tỉnh - thành phía Bắc, từ Cao Bằng tới Nghệ An, Hà Tĩnh… Hàng ngàn người thân liệt sĩ đã có thư hồi đáp trong nỗi vui mừng, xúc động. Nhiều gia đình liệt sĩ nay đã thay đổi nơi ở khác, bà lại lần dò và đối chiếu tìm ra địa chỉ mới để hy vọng thư đến tận tay các gia đình. Với những trường hợp thư đi 2 lần mà không thấy hồi đáp, bà khăn gói ra Bắc, nhờ địa phương hỗ trợ lập điểm để tiếp và chuyển thông tin về nơi an táng liệt sĩ đến các gia đình liệt sĩ và còn tận tình hướng dẫn họ làm hồ sơ xin quy tập hài cốt. Đã 7 lần bà đi đi về về như vậy.
Không quản ngại biến cố gia đình
Trong suốt quá trình hơn 11 năm đi tìm và gửi thông tin về cho các gia đình liệt sĩ, gia đình bà Tuyết đã trải qua khá nhiều biến cố. Chồng bà qua đời, rồi tiếp đó không lâu thì người con thứ hai của bà mất. Lo tang xong, bà gác lại nỗi đau riêng và tiếp tục lên đường. Rồi năm 2013, con trai lớn của bà bị thất bại trong việc làm ăn, nợ nần chồng chất. Vậy là số tiền lương hưu ít ỏi không thể tiếp tục dành hết cho việc liên lạc với các gia đình liệt sĩ, vì phải trang trải cho cuộc sống gia đình với 3 miệng ăn. Trăn trở nghĩ đến những gia đình liệt sĩ ngày đêm mong mỏi quy tập được hài cốt người thân, bà ra đầu hẻm bán gánh hàng hột vịt lộn, chè đậu, mỗi ngày kiếm 50.000 - 100.000 đồng, bà dành để tiếp tục lo việc thực hiện tâm nguyện.
Cuộc trò chuyện với chúng tôi cứ liên tục bị ngắt quãng do bà Tuyết nhận được các cuộc gọi từ các gia đình liệt sĩ. Thế rồi, người ở hai đầu dây khóc nức nở bởi bao nỗi đau đáu trách nhiệm với những người ra trận năm xưa đã được hóa giải. Ai cũng nồng nhiệt cảm ơn bà Tuyết khi được giúp biết chính xác nơi cha anh họ hy sinh. Anh Phạm Văn Hậu (ngụ tỉnh Ninh Bình) nghẹn ngào tâm sự: “Mãi đến bây giờ gia đình tôi mới biết bố tôi hy sinh ở tỉnh Tây Ninh. Gia đình tôi khó khăn nên bao năm nay chẳng biết tìm bố ở đâu, bắt đầu như thế nào. Nhờ bà Tuyết giúp, nay chúng tôi đã có cơ hội đón hài cốt bố tôi về”.
Hơn 3 năm nay, sáng chủ nhật hàng tuần, căn nhỏ ở đường Số 4 phường Trường Thọ lại đón nhiều người nhà của các liệt sĩ tới để nhờ bà hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xin quy tập hài cốt. Nhìn tập danh sách cũ mèm, chữ nhỏ xíu và chi chít màu mực đỏ, cùng với cuốn sổ ghi lịch hẹn hướng dẫn các gia đình đi tìm người thân, chúng tôi biết tâm của bà Tuyết đã vơi bớt phần nào nỗi trăn trở với những người ra trận năm xưa. Với việc làm thầm lặng mà đầy hào hiệp của mình, bà Mai Thị Tuyết vừa được chọn tuyên dương trong số 150 gương sáng giữa đời thường của TPHCM.
THU HƯỜNG