Đau đầu việc kéo điện cho các cao ốc mới

Tại TPHCM, cao ốc chung cư cứ mọc lên như nấm sau mưa trong khu vực nội thành, đặc biệt ở lõi trung tâm, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị. 
Một dự án cao ốc chung cư đang mọc lên trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Một dự án cao ốc chung cư đang mọc lên trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Không chỉ giao thông, thoát nước, cấp nước, mà việc cung cấp điện cho các cao ốc chung cư mới cũng là chuyện… đau đầu.
Cao ốc “rượt” điện lực
Ở địa bàn quận 10, nơi có những tuyến đường chính như Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Hồng Phong…, dù giá nhà đất “nóng phỏng tay”, tốc độ tăng dân cơ học vẫn nhanh đến chóng mặt, do đó nhu cầu cung ứng điện ngày càng cao. Theo số liệu tổng hợp, đến nay trên địa bàn quận 10 có 13 dự án cao ốc, chung cư đã và đang triển khai, như cao ốc Viettel, Long Giang, Grand Court, Legamex, Đồng Nai, khu C30…, với tổng nhu cầu sử dụng điện 73.000kVA. Ông Bành Đức Hoài, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ, cho biết: “Điện cung cấp cho địa bàn quận 10 được lấy từ 4 trạm biến thế là Chợ Lớn, Hùng Vương, Trường Đua và Hòa Hưng, tốc độ sử dụng điện thương phẩm tăng 6,3%/năm, trong đó phục vụ nhu cầu dân cư, thương mại chiếm phần lớn. Có lúc rơi vào cao điểm sử dụng, phụ tải tại 4 trạm biến thế nói trên đạt trạng thái đầy tải, buộc phải chuyển tải để đảm bảo an toàn. Nguồn cung cấp thì không lo, đã tính đến năm 2025, nhưng vấn đề là làm cách nào để kéo điện đến được các dự án, do phần lớn các dự án không dành mặt bằng để đặt trạm”. 
Công ty Điện lực Phú Thọ đang đau đầu chuyện làm sao để kéo điện cung cấp cho dự án chung cư Hà Đô trên đường Ba Tháng Hai, phụ tải sử dụng là 14MW phục vụ cho hàng chục ngàn cư dân và các công trình phức hợp. Trước đây, theo quy hoạch dự án Trung tâm thương mại Kỳ Hòa, do nước ngoài đầu tư, có bố trí trạm biến thế 80MW để cung cấp điện cho cả khu vực; tuy nhiên, dự án này vẫn bị treo đến nay. Sau nhiều lần bàn bạc, tính toán, chiều ngày 8-8, ngành điện lực cùng với lãnh đạo quận 10 tìm phương án tháo gỡ là sẽ báo cáo TP hỗ trợ, cho phép triển khai việc xây dựng trạm biến thế Kỳ Hòa. Và mọi việc vẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của TP. Có trạm này thì mới có thể cung cấp điện cho Hà Đô và các dự án chung quanh. 
Tương tự, ở địa bàn quận Tân Bình, từ năm 2013 đến nay đã mọc lên 19 dự án cao ốc, chung cư, riêng năm 2017 có 6 dự án đã và đang hoàn tất như Hưng Thịnh, Phúc Yên, Novaland…, với nhu cầu điện sử dụng gần 20MW. Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty Điện lực Tân Bình, cho biết: “Quận Tân Bình không có đất để làm trạm biến thế, toàn lấy nguồn từ các nơi kéo về. Dự án trạm Xuân Hồng (tại Công viên Hoàng Văn Thụ) chậm khởi động do phải phối hợp với hướng tuyến metro, với các dự án cao ốc mới, nếu không bố trí mặt bằng làm trạm thì sẽ khó vô cùng”.
Có chỉ thị nhưng chưa thực hiện 
Nói về nguồn cung cấp điện cho TPHCM trong những năm tới, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, khẳng định: “Công suất nguồn điện thì không lo, chúng tôi luôn dự phòng khoảng 40%. Cái khó hiện nay là mặt bằng và hành lang để làm trạm biến thế và kéo dây”. Thực tế thì có những dự án đã dự liệu, có cách khắc phục hiệu quả vấn đề mặt bằng đặt trạm. Thí dụ, khi phê duyệt thiết kế dự án Golden River Bason của Tập đoàn Vingroup, TP yêu cầu chủ đầu tư dành hẳn một mặt bằng để xây dựng trạm biến thế đủ cung cấp điện cho toàn bộ dự án lên đến 25ha và 16 block chung cư cao cấp. Trạm biến thế của dự án này làm theo công nghệ mới, ngầm bên dưới một công viên, rất an toàn, đảm bảo, nhờ vậy ngành điện chỉ lo đưa nguồn đến để đáp ứng phụ tải. Tương tự, tại khu Vinhomes Tân Cảng, theo quy hoạch cũng bố trí một mặt bằng để xây dựng trạm Tân Cảng 220/110kV cung cấp điện cho toàn bộ dự án. 
Đối với các dự án nhỏ, ngành điện có trách nhiệm kéo điện đến cho khách hàng; còn với các dự án vừa và lớn, chủ đầu tư phải bố trí mặt bằng để ngành điện xây dựng trạm ngắt hoặc trạm biến thế để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của dự án. Tuy nhiên do chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư các cao ốc, chung cư đã “quên” yêu cầu này. Tại nước ngoài, các cao ốc hay chung cư đều có xây dựng phần ngầm để đậu xe và bố trí các hạ tầng kỹ thuật như điện, nước - đây là một điều kiện tiên quyết để được phê duyệt thiết kế. 
Tuần trước, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các công trình kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các kết nối giao thông khu vực mới được cấp phép xây dựng. Và trước đó, tháng 6-2016, trong buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các sở ngành liên quan cần nghiên cứu và đề xuất TP ban hành quy định các chủ đầu tư khu dân cư phải dành mặt bằng để xây dựng trạm biến thế, đường dây cấp điện…, xem đây là điều kiện khi cấp phép xây dựng.

Tin cùng chuyên mục