Đau đáu với đất chín rồng

Hàng năm sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu, 70% tổng sản lượng trái cây, hơn 50% tổng sản lượng thủy sản và hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản… Đó là những con số “màu hồng” thể hiện những đóng góp to lớn của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với cả nước. Vì vậy, không phải đến bây giờ mà từ hàng chục năm trước, ĐBSCL đã là vùng đất “cho nhiều hơn nhận”, giữ vai trò “lo cái bụng” cho phần lớn đất nước, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và giúp nước ta nhiều năm liền nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, phía sau những kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” đó lại là những nỗi niềm day dứt chưa nguôi.

Vựa nông sản lớn nhất Việt Nam và là một trong 3 vùng đồng bằng canh tác lúa tốt nhất thế giới lại là “vùng trũng” về không ít lĩnh vực thiết yếu. Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, thu nhập bình quân của người trồng lúa ở ĐBSCL chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu hiện nay, vẫn còn khoảng 4 triệu nông dân đang sống trong hoàn cảnh nghèo đói với thu nhập chưa tới 1 USD/người/ngày; có đến 70% trong khoảng 3 triệu căn nhà của nông dân ở đây là nhà tạm bợ… Không những vậy, ĐBSCL còn tụt lại phía sau so với các vùng khác về giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, hạ tầng giao thông…

Tại sao người dân ĐBSCL lại chưa khai thác hết được tiềm năng cũng như chưa thụ hưởng được trọn vẹn những thành quả phát triển của quê hương mình? Đây không phải là câu hỏi mới mẻ gì mà cả câu trả lời cũng là câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Đó là do sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, tình trạng “mạnh ai nấy làm” vẫn hiển hiện đã tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của cả vùng, gây nên không ít sự lãng phí trong đầu tư và “níu áo” nhau giữa các địa phương trên con đường đi lên.

Bên cạnh đó, cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư cũng như quy hoạch vùng còn hạn chế và chưa đồng bộ cộng với tư duy “ao làng” đã khiến cho hiệu quả đầu tư còn khá thấp, gần như không gia tăng được giá trị cho nông sản khi ngành công nghiệp chế biến còn thô sơ. Cùng với đó, hạ tầng giao thông lạc hậu và manh mún cũng là “điểm nghẽn” lớn đối với sự phát triển của vùng.

Tuy vậy, hầu như ai cũng nhận thấy nguồn nhân lực yếu kém và dân trí hạn chế mới chính là lực cản lớn nhất trên bước đường “cất cánh” của ĐBSCL. Vốn dân mà “ngón chân nạm phèn”, ăn nói thiếu bài bản nhưng lòng người miền sông nước luôn rộng mở, tình người hào hiệp và cũng có khiếu mày mò, sáng tạo. Cái thiếu của người đồng bằng là tri thức và cơ hội tiếp cận với những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại… Tất cả những điều đó đã làm ĐBSCL bỏ lỡ nhiều thời cơ phát triển và suy giảm sức cạnh tranh của cả vùng.

Rõ ràng là chúng ta đều biết và hiểu rõ vì sao ĐBSCL tụt hậu và giải pháp để thoát khỏi sự trì trệ đó. Chúng ta cũng biết rõ và dự báo được những nguy cơ trong tương lai của vùng đất chiến lược cực kỳ quan trọng này như biến đổi khí hậu, việc xây các con đập thủy điện trên sông Mê Công sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng gì… Chúng ta cũng đã có nhiều văn bản pháp quy cho sự phát triển của ĐBSCL, từ của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 20-1-2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 - 2010; ngày 14-8-2012, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 28-KL/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 - 2020) đến các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển ĐBSCL. Như vậy, điều đọng lại ở đây là việc thực hiện những chính sách nói trên chưa đạt yêu cầu, chưa như kỳ vọng…

Có lẽ chúng ta nên ôn lại lời kêu gọi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi phát biểu tại hội nghị triển khai Quyết định 99/TTg ngày 9-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL): “Chúng ta phải tập trung, phải dành dụm, phải huy động một cách cao nhất tài lực và vật lực… Nếu chúng ta không lựa chọn phương án hết sức khó khăn này thì ĐBSCL sẽ tụt hậu xa, chẳng những nguy cơ đối với đồng bào vùng ĐBSCL mà còn nguy cơ đến nhịp độ phát triển của cả nước”…

Cùng với những quyết tâm chính trị cao hơn nữa, ĐBSCL cần “vượt lên chính mình”, dũng cảm giã từ những tập quán tiêu cực. Có như vậy thì miền đất mỡ màng này mới có thể bớt đi những câu hò, câu vọng cổ man mác buồn.

THÁI HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục