Ngành công nghiệp thuốc của Ấn Độ là một trong những động cơ kinh tế quan trọng nhất của đất nước khi xuất khẩu đạt đến 15 tỷ USD mỗi năm.
Ấn Độ còn có những nhà máy dược phẩm mang đẳng cấp thế giới. Nhiều năm qua, hàng triệu người tại nhiều quốc gia trên thế giới tin dùng các sản phẩm dược phẩm Ấn Độ do giá thành rẻ và chất lượng không thua kém so với các hãng dược ở các quốc gia phương Tây.
Nhưng nay, dược phẩm, một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực tại Ấn Độ lại đang nằm trong diện điều tra của Chính phủ Mỹ vì liên tục có những sai phạm liên quan đến thuốc kém chất lượng và cả thuốc giả. Câu chuyện kiểm soát chất lượng dược phẩm đã trở thành một bài toán khó cho cơ quan đứng đầu ngành y tế của nước này.
Năm ngoái, hãng dược Ranbaxy USA, chi nhánh của Ranbaxy có trụ sở chính ở New Delhi, bị Washington phạt 500 triệu USD vì đã xuất khẩu sang Mỹ thuốc trị mụn Sotret, thuốc động kinh Gabapentin và kháng sinh Ciprofloxacin không đạt tiêu chuẩn an toàn. Mới đây, Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố đưa 160 nhà máy sản xuất thuốc tại Ấn Độ trong diện nghi vấn chất lượng. Con số này tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Những biện pháp cứng rắn của Mỹ cho thấy dù vốn là đối tác dược phẩm lớn của Ấn Độ nhưng quốc gia này đang dần mất kiên nhẫn vào nhà nhập khẩu từng được cho vào danh sách uy tín. Điều tra của các tổ chức y tế quốc tế gần đây cũng cho thấy thuốc trị sốt rét giả từ một số nước, trong đó có Ấn Độ... đã có mặt tại các nước châu Phi. Nhiều loại thuốc giả không có các hoạt chất trị liệu, một số loại chỉ là thuốc bổ hoặc tăng lực.
Ở trong nước, hàng loạt vụ bê bối xuất hiện cũng làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Trong một ví dụ gần đây, một số loại thuốc tình nghi bị làm giả đã làm chết hàng trăm trẻ sơ sinh tại một bệnh viện nhi ở ở Ấn Độ. Cuộc kiểm tra tại một phòng thí nghiệm của Bộ Y tế phát hiện một số hãng dược phẩm đã phân phối các sản phẩm chất lượng kém cho các đơn hàng từ bệnh viện này.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát thuốc giả, Bộ Y tế Ấn Độ tiến hành kiểm tra gắt gao hơn sau thời gian lơ là và để các hãng dược tha hồ “nhào nặn” các sản phẩm kém chất lượng bất chấp sức khỏe bệnh nhân. Bên cạnh đó là treo thưởng cho ai cung cấp thông tin về các tổ chức sản xuất thuốc giả, thúc đẩy nhanh việc đưa các vụ án ra xét xử. Những cá nhân, cơ sở, bị nghi ngờ sản xuất và bán thuốc giả sẽ bị kết án với mức án nặng là tù chung thân. Số cá nhân hay cơ sở bị bắt vì sản xuất và bán thuốc giả đã tăng từ con số 12 năm 2006 lên đến gần 200 trong năm 2012. Thế nhưng, những biện pháp này được cho rằng chưa đạt hiệu quả cao do phá đường dây này lại có vài đường dây khác mọc lên. Mặt khác, người sản xuất thuốc giả luôn tìm cách đối phó thiên hình vạn trạng cách thức như dán nhãn vào những mặt hàng hết hạn, thay thuốc bằng nước, chỉ sử dụng một phần nhỏ thành phần thuốc thật vào sản phẩm. Dư luận tại Ấn Độ cho rằng chính phủ cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn tình hình này.
THANH HẰNG