Chưa nói gì các nước ở châu Âu, Mỹ, chỉ tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, sàn đấu giá nghệ thuật luôn nhiều vô kể. Chính phủ các nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hong Kong… có chính sách ưu đãi để khuyến khích các sàn đấu giá nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. Họ coi đó là một kênh để kích cầu văn hóa, du lịch.
Người yêu tranh xem triển lãm Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác trưng bày tác phẩm các họa sĩ thành danh của Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Ảnh: BẰNG VÂN
Chuyên nghiệp
Sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa, kinh tế độc đáo ở các quốc gia phát triển. Các phiên đấu giá của họ diễn ra rất quy chuẩn, được vận hành chặt chẽ bởi một hệ thống trải rộng khắp thế giới.
Mở sàn đấu giá rất đơn giản. Dễ nhất là liên kết với các nhà đấu giá tên tuổi của Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp… rồi người bản địa học hỏi kinh nghiệm và dần tách ra làm ăn riêng. Đây là mô hình mà các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… đã thực hiện thành công. Khi đã có thị trường thì “buôn có bạn bán có phường”, các nhà đấu giá sẽ rủ nhau đến. Quan trọng nhất là phải quy tụ được một đội ngũ chuyên gia để bảo đảm không có thứ tầm thường ở sàn đấu giá.
Để thẩm định tác phẩm, mỗi hãng đấu giá lại có những nhóm chuyên gia đặc biệt được đào tạo bài bản, có năng lực thẩm định rất tốt. Tùy theo đẳng cấp của hãng đấu giá mà các chuyên viên sẽ được chọn lọc khắt khe và chặt chẽ như thế nào. Mỗi nhóm hoặc cá nhân đó sẽ thẩm định chất lượng, giá trị, thật giả của các tác phẩm thuộc mỗi vùng lãnh thổ, quốc gia mà họ đã nghiên cứu kỹ.
Ông Nguyễn Minh, một nhà sưu tập tranh cho biết, tất cả các tác phẩm bán trong phiên đấu giá sẽ được in vào catalogue (thường là rất dày). Trước tiên, họ có một bảng danh sách tên các họa sĩ (có tranh sẽ được bán trong buổi đấu giá ấy) được chia theo khu vực và quốc gia. Sau đó, họ đưa cho một bảng giá tiền đặt cọc. Tiền đặt cọc này sẽ tương ứng theo tên tác giả và tầm tiền muốn mua. Ví dụ, nếu muốn mua bức tranh với giá 200.000USD thì sẽ phải đặt cọc vào tài khoản của nhà đấu giá ít nhất 50.000USD. Tại phiên đấu giá, mỗi người tham dự sẽ được phát một thẻ đấu, có mã số... Trong phiên đấu giá, nếu muốn mua tác phẩm nào, người mua sẽ giơ tấm thẻ đó lên. Mỗi lần giơ tấm thẻ ấy sẽ tương đương với việc thêm 10% so với giá đấu vừa đạt mốc. Mua được giá tốt hay không cũng tùy thuộc kinh nghiệm của người mua, biết thế nào là điểm dừng mới quan trọng. Sau khi mua một bức tranh, nếu phát hiện có vấn đề, người mua có thể bán lại cho hãng đấu giá tùy theo thỏa thuận. Và đa phần là họ thường hòa vốn (hoặc lãi ít hay nhiều) so với giá mua gốc...
Về chính sách, chính phủ phải coi đây là kênh kêu gọi đầu tư, kênh quảng bá văn hóa, thu hút khách du lịch nên hỗ trợ phát triển, giảm thuế… để người có tiền nhảy vào sưu tầm nghệ thuật. Trong phiên đấu giá, các ngân hàng đều cử chuyên gia đến tham dự và họ sẵn sàng cho vay đến 70% giá trị của tác phẩm được bán. Các ngân hàng ở Singapore cho người vay mua tranh chỉ lấy lãi có 3%, chính phủ cũng chỉ đánh thuế giá trị gia tăng 5% với mỗi bức tranh mang ra khỏi lãnh thổ. Vì tạo được một biên lợi nhuận như thế nên người kinh doanh tranh chắc chắn có lãi. Các nhà đấu giá cũng làm ăn phát đạt, bởi họ được hưởng cả từ người bán đến người mua, đều 20% giá trị bức tranh được bán. Khi có giải pháp đồng bộ như thế, các sàn đấu giá sẽ nở rộ hoạt động chuyên nghiệp để tiến đến công nghệ tạo thị trường.
Khẳng định vị thế, bản sắc văn hóa Việt Nam
Khi đến một đất nước, nhìn vào bảo tàng mỹ thuật hoặc nhìn vào nền hội họa, người ta đã có thể đánh giá được kinh tế cũng như văn hóa của nước đó. “Việt Nam mình lại hoàn toàn không đúng như thế, buồn ở chỗ đấy. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam tăng tốc rất nhanh, nhưng kinh tế và văn hóa lại không phát triển song hành. Ai có tiền là nghĩ ngay đến mua mảnh đất này, dư ra mua mảnh đất khác, cứ thế thôi, người ta tính đến cái kinh tế sinh lời chứ không quan tâm đến văn hóa, mỹ thuật”, ông Nguyễn Minh buồn bã.
Trong quá trình bôn ba khắp các sàn đấu giá trên thế giới để ước mơ đưa tranh Việt Nam hồi hương, ngoài việc vì ít tiền mà không đấu lại người, điều đáng tiếc nhất với ông Minh là trong những phiên đấu giá ấy, không thấy một người Việt nào trong nước tham dự, hoặc cùng lắm cũng chỉ có vài Việt kiều. Nếu có được một đại gia nào sẵn lòng bỏ một phần tài chính của mình làm điều đó cùng với ông, có lẽ đã có nhiều hơn các tác phẩm hội họa Việt Nam được mang về nước.
Ông Nguyễn Minh lý giải: “Theo tôi, hội họa là một kho tàng nghệ thuật vô giá phản ánh văn hóa thẩm mỹ, tư duy tạo hình của người Việt Nam từ cách đây gần 100 năm đã không hề thua kém, nếu không nói là vượt trội trong khu vực. Mua tranh cũng là góp thêm phần khẳng định vị thế, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt trên trường quốc tế. Chúng ta là người Việt Nam, nếu có điều kiện tại sao lại không mua? Tôi mong muốn và tự tin rằng tương lai sẽ có rất nhiều nhà đầu tư sẽ mua lại các tác phẩm nghệ thuật quay về quê hương”.
Ngoài ra, nếu Nhà nước giảm thuế thì cơ hội các nhà sưu tầm mua được các tác phẩm về nước sẽ nhiều hơn. Và quan trọng hơn, theo ông Minh, điều ấy sẽ làm họ thêm phấn khởi và tâm huyết hơn nữa để tìm mua các tác phẩm tuyệt vời của các họa sĩ Việt Nam vẫn còn đang lênh đênh nơi xứ người
TUẤN HOÀNG