Ngày khai giảng chính thức đang đến và nỗi lo phải chi tiền học phí, đồng phục, sách vở và nhiều khoản thu thêm đầu năm học mới đang đè nặng trên đôi vai của nhiều gia đình có thu nhập thấp. Tránh tình trạng lạm thu, núp bóng xã hội hóa, nhiều GD-ĐT đã ra văn bản chỉ đạo không được thu thêm ngoài quy định. Thế nhưng, tình trạng lạm thu vẫn tái diễn ở nhiều trường, nhiều địa phương.
Núp bóng xã hội hóa
Câu chuyện lạm thu đầu năm học mới gây bất bình dư luận nhất phải kể đến việc thay đổi đồng phục vest sang trọng theo kiểu Hàn Quốc xảy ra ở ngôi trường làng với giá 1 tạ thóc (gần 700.000 đồng/bộ). Ngay sau khi dư luận và báo chí lên tiếng, Trường Tiểu học Văn Bình (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) phải dừng quyết định này. Thực tế cho thấy, việc thay đổi đồng phục trong tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút, là việc làm xa xỉ. Vì thế, nhiều Sở GD-ĐT các địa phương, trong đó có TPHCM, TP Hà Nội đã yêu cầu các trường không được tùy tiện thay đổi mẫu đồng phục gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Điều mà phụ huynh và học sinh cần là mẫu đồng phục phải ổn định, thiết kế giản dị, phù hợp với lứa tuổi, chất liệu tốt, giá cả phải chăng.
Một vấn đề nhạy cảm, luôn nóng dịp đầu năm là tình trạng lạm thu do học trái tuyến được đặt tên là khoản “tự nguyện” đóng góp. Mặc dù nhiều tỉnh, TP như Hà Nội, TPHCM đều chủ trương “cấm thu” tiền trái tuyến dưới dạng tự nguyện đóng góp xây trường, quỹ khuyến học, ủng hộ hoạt động khen thưởng, thể mỹ của trường… nhưng nhiều trường vẫn thu và muốn con được vào học phụ huynh phải “biết điều”. Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu Trường THPT Hùng Vương ở thị xã Đồng Xoài chấn chỉnh, nghiêm túc khắc phục các vi phạm trong công tác thu chi của trường. Qua thanh tra về tình trạng lạm thu, thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh này đã phát hiện nhà trường thực hiện chi hỗ trợ tu sửa nhỏ, mua sắm thiết bị dạy học, hỗ trợ các phong trào thể mỹ, khen thưởng trái quy định. Ngoài ra, trường Hùng Vương còn tự đặt ra nhiều khoản thu cao, trái quy định như thu quỹ xã hội hóa, thu hỗ trợ tiền điện thắp sáng.
Ngay như tỉnh Quảng Bình - một địa phương nghèo - nhưng nhiều trường học tự đặt ra hàng chục khoản thu khác nhau - tạo áp lực cho học sinh nghèo. Kết quả giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Quảng Bình cho thấy, có đến hơn 30 khoản thu khác nhau ở trường học, trong đó thu do nhà trường, lớp thỏa thuận với ban đại diện cha mẹ học sinh và thu hộ các quỹ của đoàn thể, tổ chức… Riêng khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh cũng ôm đồm nhiều khoản tự nguyện đóng góp (quỹ hoạt động của ban đại diện, hỗ trợ hoạt động văn thể mỹ, mua sắm trang thiết bị…) gây khó khăn cho học sinh nghèo, gia đình có thu nhập trung bình.
Thu đúng và minh bạch
Mới đây, nhiều phụ huynh ở TP Vinh (Nghệ An) phản ánh Trường Mầm non Lê Mao áp đặt khoản tiền huy động xã hội hóa từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng/học sinh tùy theo nhóm tuổi để mua sắm cơ sở vật chất, trả nợ công trình xây dựng, mở rộng trường. Khoản thu này được nhà trường giải thích rằng thu theo hình thức tự nguyện. Tương tự, Trường THPT Đông Hà tỉnh Quảng Trị gửi thư kêu gọi phụ huynh học sinh lớp 10 mới nhập học ủng hộ số tiền 400.000 đồng/học sinh để sửa chữa trường và kỷ niệm 40 năm thành lập trường cũng bị phụ huynh phản ứng. Khó có thể thống kê hết các khoản lạm thu, thu vô lý, thu không cần thiết… đang diễn ra hoặc manh nha thực hiện đầu năm học. Thực tế cho thấy các khoản thu dưới hình thức tự nguyện nhưng mang màu sắc bị ép buộc, thiếu tính thuyết phục luôn khiến phụ huynh bức xúc.
Ai cũng hiểu những khó khăn chung của ngành giáo dục nước nhà và nỗi khổ thiếu kinh phí kinh niên để phát triển hoạt động giáo dục tại các trường học hiện nay. Vì thế, vận dụng sức dân - thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục - sẽ tiếp sức cho nhà trường có điều kiện phát triển, tạo môi trường dạy và học tốt hơn. Thế nhưng cần hiểu đúng, vận dụng đúng, tránh tình trạng núp bóng để lạm thu như bức xúc của dư luận. Theo lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT, chủ trương thực hiện xã hội hóa trong giáo dục là đúng nhưng thực hiện phải đúng quy trình, minh bạch và công khai sử dụng số tiền vận động.
Tại TPHCM, việc điều chỉnh học phí tăng thêm từ 3 - 6 lần so với năm học trước tuy không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư có thu nhập thấp. Vì thế, tại hội nghị chuyên đề do UBMTTQ TPHCM tổ chức mới đây nhiều ý kiến đề nghị TP nên mở rộng đối tượng được miễn giảm học phí, đẩy mạnh các chương trình học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Điều đáng lo ngại ở đây là tuy diện học sinh nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí nhưng vẫn phải gồng mình đóng các khoản thu bắt buộc theo quy định, kể cả thu thêm lên đến cả triệu đồng.
KHÁNH BÌNH