Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm tổ chức chiều 26-6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định: “Thịt thối ồ ạt tràn vào nước ta trong thời gian qua là do có đường dây làm ăn của các đầu nậu”.
Chưa triệt tận gốc
Liên tục suốt nhiều tháng qua, cơ quan chức năng đã bắt quả tang hàng loạt vụ vận chuyển thịt thối từ miền Bắc vào TPHCM và các tỉnh ở Đông Nam bộ để tiêu thụ. Trong khi đó, dịch bệnh tai xanh trên heo đang bùng phát dữ dội từ tận miền núi phía Bắc về đồng bằng sông Hồng, rồi gần đây đã vào tận các tỉnh ở Đông Nam bộ.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT vừa thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần dẫn đầu, tổ chức thị sát thực trạng buôn bán gia súc, gia cầm và công tác tiêm vaccine chống dịch, đặc biệt là nạn buôn chất cấm và thịt thối vào nội địa tại 8 địa phương. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, tại tỉnh Lạng Sơn, đoàn công tác rất bức xúc khi phát hiện đây là một trong những cửa ngõ tuồn thịt thối vào nước ta. “Có tới 70% thịt bẩn, thịt thối tuồn vào nước ta qua địa bàn Lạng Sơn, 70% chất cấm cũng được nhập về đây” - ông bức xúc nói.
Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, khi Bộ NN-PTNT làm mạnh về công tác phòng chống dịch thì tỉnh Lạng Sơn cũng như một vài địa phương mới ra quân bắt buôn lậu gia súc gia cầm, kiểm tra các điểm thu gom thịt thối để... báo cáo. Nhưng qua số liệu thì cũng chỉ là những vụ nhỏ lẻ, trong khi thịt thối hàng tuần vẫn cứ ùn ùn tuồn vào nước ta. Hóa ra họ chỉ bắt lẻ tẻ những “cửu vạn” chuyên bốc, xách thuê thịt thối từ bên kia biên giới vào nội địa.
Trong khi theo một nguồn tin có trách nhiệm ở Lạng Sơn, toàn bộ nguồn thịt thối là do có một hệ thống “đầu nậu” đứng ra tổ chức thu gom, rồi vận chuyển sâu vào nội địa. Đầu nậu ở miền Bắc đưa về miền Bắc, ở miền Nam đưa vào tận miền Nam. “Các đầu nậu ở đây, người dân đều biết cả, nhưng vấn đề là có dám xử lý họ hay không?” - ông Diệp Kỉnh Tần nêu lên nỗi băn khoăn của người dân sở tại.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, một thành viên của đoàn kiểm tra, cũng khẳng định thực tế hiện nay chỉ có thịt từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam, chứ thịt heo của nước ta không xuất được con nào sang Trung Quốc, do họ kiểm soát rất gắt về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Vì vậy, muốn triệt tận gốc thịt thối, phải bắt các đầu nậu” - ông Sơn đề nghị. Đây là trách nhiệm của cơ quan công an và chính quyền các địa phương sở tại.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng cho rằng, trước đây nạn buôn lậu trâu bò ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) mặc dù nóng bỏng, do các đầu nậu thao túng nhưng chúng ta vẫn triệt phá được. Do đó, chúng ta có đủ kinh nghiệm để tổ chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chứ không thể để tình trạng người dân phải ăn thịt thối như vậy được.
Thịt thối vẫn tràn lan
Trong khi cơ quan chức năng đang bàn chuyện bắt đầu nậu, ngăn chặn thịt thối, thực phẩm lậu vào nội địa thì trên các cung đường, thịt thối, thực phẩm “bẩn” vẫn đang tràn vào nước ta, rồi được các đầu nậu vận chuyển dọc quốc lộ 1A vào miền Nam tiêu thụ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, việc ngăn ngừa chặn thịt thối, cơ quan thú y cần phối hợp với công an, quản lý thị trường và “phải truy tìm tận hang ổ, chứ không chỉ bắt những vụ vận chuyển nhỏ lẻ trên đường”. Điều kỳ lạ ở chỗ, trong khi giá các loại thịt bán ở thị trường nội địa đang trên đà giảm mạnh nhưng thời gian qua, thịt thối vẫn ồ ạt tràn vào nước ta. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có thể là do nguồn cung ở bên kia biên giới quá rẻ, đưa về nước ta bán được giá cao hơn, có lời cao nên đầu nậu, cửu vạn làm liều.
Trước tình hình ngày càng bức xúc, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ sớm có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị tổ chức điều tra, triệt phá các đầu nậu cũng như đường dây thu mua, buôn bán thịt thối.
| |
Phúc Hậu