Mối quan hệ giữa Pháp và Đức được xem là trụ cột cho cả Liên minh châu Âu (EU) giữa lúc châu lục này đang đối phó với khủng hoảng tài chính. Nhưng mâu thuẫn giữa hai bên đang lớn dần đe dọa đến cả sự tồn tại của EU.
Bài báo của tác giả Sara Miller Llana trên tờ The Christian Science Monitor cho biết tại nhiều nước thành viên EU, kể cả Pháp, hình ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel được khoác vào bộ quân phục của Đức quốc xã đã trở nên phổ biến, nhất là trong các cuộc biểu tình chống thắt lưng buộc bụng. Đặc biệt, ngay cả đảng Xã hội cầm quyền của Pháp cũng tỏ ra “dị ứng” với nữ Thủ tướng Đức. Trong một tài liệu dự thảo gần đây, các thành viên đảng này không ngần ngại gọi bà là “người cứng rắn đến mức ích kỷ” và phong bà biệt danh “thủ tướng của chính sách thắt lưng buộc bụng”.
Thực ra trong lịch sử, quan hệ giữa Berlin và Paris nhiều lúc cũng tồn tại nhiều bất đồng do khác biệt về chính trị và văn hóa. Nhưng trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” này, hình ảnh cỗ xe dẫn đường cho EU rệu rã thì tương lai của EU cũng rất bấp bênh. Dẫn lời bà Elvire Fabry, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Notre Europe - Jacques Delors, bài báo cho biết sự chia rẽ xuất hiện dần dần giữa các thành viên EU, vấn đề đoàn kết trở thành vấn đề đáng ngại. Nhiều nước bị khủng hoảng tài chính chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng của bên cho vay, trong đó có Đức. Trong thời kỳ Tổng thống Nicolas Sarkozy, chính sách Pháp - Đức tương đồng đến mức người ta nhập tên của ông Sarkozy với bà Merkel thành Merkozy.
Nhưng từ khi đảng Xã hội Pháp lên cầm quyền năm 2012, mọi việc bắt đầu thay đổi. Chủ trương của Tổng thống Pháp Hollande là chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Nước Pháp muốn có vai trò lớn hơn trên thế giới. Thế nhưng, nền kinh tế Pháp xuống dốc đã đưa Đức trở thành tiếng nói quan trọng trong các vấn đề của EU.
Cách đây 10 năm, Đức đã cải cách hệ thống lao động và an sinh xã hội và hiện nay, kinh tế Đức trở thành nền kinh tế mạnh nhất châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức khoảng 6% trong khi ở Pháp trên 10%. Tại Pháp, Chủ tịch Quốc hội Clade Bartolone đòi Pháp đối đầu với Đức. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Arnaud Montebourg cho rằng Pháp nên bắt đầu cuộc chiến với EU, cụ thể là Đức. Ngược lại, người Đức luôn chỉ trích Pháp không cải cách đủ mạnh thị trường lao động và tăng năng suất. Berlin còn cảnh báo rằng Pháp có thể gia nhập danh sách các nền kinh tế thất bại ở Nam Âu.
Theo bà Ulrike Guérot, thành viên Hội đồng đối ngoại EU, Pháp và Đức từng căng thẳng những năm 1990 khi thành lập khu vực đồng euro nhưng cũng chưa gay gắt như lúc này vì thách thức giờ đây lớn hơn. Bà nói: “Cư dân EU đang trở nên rối và thất vọng. Nếu mối quan hệ Pháp - Đức căng thẳng, hai bên không thể tìm ra giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính EU, hậu quả sẽ lan tràn khắp châu Âu”.
Nhà kinh tế Đức Guntram Wolff nói: “Brussels không phải là trung tâm quyền lực (của EU). Trung tâm quyền lực đó ở Paris và Berlin. Nếu họ mâu thuẫn nhau, Brussles sẽ tê liệt”. Hugo Brady, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho rằng mâu thuẫn Pháp - Đức là một trong những thách thức lớn nhất trong EU. “Nếu không có một liên minh Pháp - Đức, đó là sự kết thúc của EU”, ông nói.
KHÁNH MINH