Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 13, tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Liệu khi được ban hành, luật có giúp khắc phục được những hạn chế, tồn tại của pháp luật hiện hành; góp phần thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính; khuyến khích sản xuất trong nước; hướng tới sự minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu và phòng, chống tham nhũng như kỳ vọng?
Khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), một “kiến trúc sư” của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho biết, “khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà không trái với các cam kết của Việt Nam trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế được coi là một mục tiêu quan trọng của dự luật. Đây là quan điểm nhận được sự đồng thuận cao của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như các vị đại biểu Quốc hội.
Cũng với mục tiêu này, dự luật quy định rõ: nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam, phải cam kết sử dụng lao động trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu... Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có trên 50% lao động là thương binh, người tàn tật; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu tiên khi xét thầu. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về chiêu thức gộp thầu để tạo ra những gói thầu có giá trị lớn, đòi hỏi cao về tiềm lực tài chính, công nghệ nhằm loại bỏ các nhà thầu nội ra khỏi sân chơi, Ban soạn thảo dự luật đã bổ sung nguyên tắc: việc phân chia gói thầu phải phù hợp với tính chất, quy mô đảm bảo cạnh tranh. Với từng loại dự án khác nhau, Chính phủ và Bộ KH-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể. Tất nhiên, với các dự án có sử dụng vốn vay ODA, nhất là vốn ODA song phương, thì ngay từ khâu đàm phán vay vốn đã phải để ý đến các điều khoản cụ thể có liên quan đến đầu thầu - ông Tăng cho biết.
Hạn chế chỉ định thầu
Ngược với gộp thầu, trường hợp “băm nát” gói thầu thành nhiều gói nhỏ để được áp dụng hình thức chỉ định thầu cũng là một khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy, bởi đây chính là hình thức kém cạnh tranh nhất trong đấu thầu, đồng thời là hình thức mà các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ không khuyến khích áp dụng, nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời gian qua. “Phương thuốc” cho căn bệnh này - theo cơ quan soạn thảo - là việc nêu rõ nguyên tắc để phân chia gói thầu (phải phù hợp với tính chất, quy mô đảm bảo cạnh tranh). Với từng loại dự án khác nhau, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể. Một giải pháp khác là hạ thấp hạn mức được phép chỉ định thầu, đơn cử với gói thầu xây lắp trước đây từ 5 tỷ đồng trở xuống, thì bây giờ chỉ còn 1 tỷ đồng; mua sắm hàng hóa từ 2 tỷ đồng xuống chỉ còn 1 tỷ... Khi hạn mức nhỏ thì chủ đầu tư khó lòng “băm nhỏ” dự án đến mức độ có thể áp dụng chỉ định thầu.
Trên thực tế, Luật Đấu thầu hiện hành cũng đã có quy định về lựa chọn nhà thầu qua mạng. Chính phủ điện tử là một chủ trương lớn và đúng đắn của Nhà nước nhằm thúc đẩy tính minh bạch, công khai thông tin, giảm thiểu thủ tục hành chính để tránh gây phiền hà, giảm nhũng nhiễu của cán bộ ở cơ quan công quyền đối với doanh nghiệp, người dân. Đấu thầu qua mạng cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới, trong đó đã có nhiều nước thu được thành tựu và kết quả đáng kể như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... Vì vậy có thể coi là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam nhằm đáp ứng mục tiêu công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế đối với hoạt động đấu thầu.
Theo ông Lê Văn Tăng, trong năm 2010, Bộ KH-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2010/TT-BKH quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng, phục vụ việc thí điểm đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm. Trong các năm 2009 - 2011, Việt Nam cũng đã thực hiện thành công giai đoạn thí điểm đối với hàng ngàn dự án đấu thầu qua mạng. Kinh nghiệm thí điểm cho thấy, để luật hóa và triển khai rộng rãi hình thức này trên thực tế, có hai vấn đề chính phải quan tâm; đó là năng lực kỹ thuật và quyết tâm chính trị.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, vừa qua, trong khi những đơn vị sử dụng “tiền túi” của doanh nghiệp rất hăng hái triển khai hình thức này thì một số đơn vị, địa phương khác sử dụng ngân sách nhà nước đạt kết quả rất khiêm tốn. Tới đây, dự luật nêu nguyên tắc là quá trình thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ theo lộ trình do Chính phủ quy định trong Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà thầu. Quyết tâm thực hiện hình thức này là một hành động chứng minh Việt Nam có quyết tâm phòng chống tham nhũng thực sự hay không - bà Victora Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng phát biểu như vậy trong một cuộc hội thảo về dự luật này.
"Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, đặc biệt là đoàn ĐBQH TPHCM, dự thảo lần này có thêm một mục hoàn toàn mới với 5 điều, quy định về đấu thầu mua thuốc. Qua nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật, tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành đưa nội dung này vào Luật Đấu thầu để giải quyết những bất cập hiện nay về giá thuốc. Đơn cử, một nội dung mới là cho phép áp dụng phương pháp đấu thầu thuốc tập trung, nghĩa là tới đây, với cùng một loại thuốc trên một địa bàn sẽ chỉ có một giá. Bệnh nhân sẽ mua được thuốc với giá tốt hơn, vì đấu thầu mua với số lượng lớn thì giá chắc chắn phải rẻ hơn..." Ông LÊ VĂN TĂNG, |
ANH THƯ