Thời gian gần đây, xã hội bàng hoàng, âu lo khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ trọng án mang yếu tố bạo lực (cướp, giết người…). Hầu hết các đối tượng gây án nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên, thậm chí cả vị thành niên. Vấn đề không chỉ là sự gia tăng của tội phạm và bạo lực (bởi điều đó đã được ghi nhận từ rất nhiều năm qua) mà nghiêm trọng ở chỗ sự trẻ hóa ngày càng nhanh của tội phạm và tính tàn bạo, mất nhân tính của hành vi. Đồng thời, việc bộc phát bạo lực theo kiểu côn đồ, xã hội đen dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hiện khá phổ biến trong đời sống xã hội. Đây là điều bất thường rất đáng quan tâm.
Đảng - Nhà nước luôn xem trọng lực lượng kế thừa của nước nhà. Hàng triệu triệu thanh thiếu niên đã sống và trưởng thành trong tình yêu thương đùm bọc của xã hội, trở thành niềm vui của gia đình và công dân có ích, có trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vậy vì sao tội phạm và tệ nạn vẫn gia tăng, diễn biến phức tạp? Nỗi lo của gia đình trở thành nỗi lo xã hội và điều này gây nhức nhối, bất an cho cả cộng đồng.
“Nếu như những năm 2000 trở về trước, người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn thì những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn, vượt quá giới hạn của độ tuổi người chưa thành niên, như hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, có cơ cấu chặt chẽ. Thực hiện các hành vi phạm tội giết người (con giết cha mẹ, cháu giết ông bà); cướp tài sản có sử dụng vũ khí nóng; hiếp dâm; mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy. Sự gia tăng về số lượng, mức độ vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có sự khác nhau giữa các địa phương, theo đó tỷ lệ tăng nhiều nhất chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn” - TS Đinh Xuân Nam nhận xét. Còn theo báo cáo của BCH TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào tháng 7-2007: “Số lượng thanh thiếu niên nghiện ma túy hiện nay rất nghiêm trọng. Tính đến cuối năm 2006, trong số 160.226 người nghiện ở nước ta có xấp xỉ 63% ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Tỷ lệ hít heroin trong thanh thiếu niên nói chung, trong học sinh, sinh viên nói riêng ngày càng cao ở các thành phố, thị xã và đang lan nhanh về các vùng nông thôn, miền núi. Tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp trong thanh niên đang ở mức đáng báo động”.
Cá nhân kẻ phạm tội (chủ thể tội phạm) đóng vai trò quyết định và phải tự chịu trách nhiệm hành vi của mình. Tuy nhiên, không thể bỏ qua mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng những “lỗ hổng” bất cập trong quản lý, điều hành xã hội đã làm lan rộng hành vi phạm tội. Tội phạm, tệ nạn luôn rất nhạy cảm với mọi biến động xã hội nhưng gia đình, môi trường trực tiếp nhất trong việc quản lý, giáo dục con em lại nhiều khi buông lỏng, hầu như chỉ loay hoay, mê mải mưu sinh. Giáo dục nhà trường vẫn bộc lộ khá nhiều vấn đề bức xúc cả trong quản lý lẫn chất lượng. Tình nhân ái, chia sẻ, “thương người như thể thương thân” cùng đạo lý truyền thống tốt đẹp khác bị thách thức gay gắt khi đạo đức xã hội xuống cấp, cơn lốc tiêu dùng thực dụng lên ngôi, tệ nạn tham nhũng, thoái hóa biến chất trở thành “phổ biến”, những giá trị làm giàu nhân cách nhiều khi được nhìn nhận, xếp dưới sự vụ lợi, cơ hội, bè phái…
“Thanh niên là rường cột của nước nhà, là tương lai của xã hội” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ. Bối cảnh mới, tình hình mới đòi hỏi phải có hành động thiết thực, hiệu quả hơn. Thực trạng hiện tại đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp đồng bộ, nhất quán, xuyên suốt từ gia đình đến xã hội; đẩy mạnh công tác phòng ngừa từ xa; xây dựng đối sách đấu tranh từ các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên trách.
Trật tự xã hội biểu hiện bản chất của chế độ. Hậu quả của tội phạm, tệ nạn không chỉ là thiệt hại tài sản, vật chất, tính mạng người lương thiện mà còn biểu hiện sự suy thoái đạo đức, đạo lý truyền thống. Vì vậy, không bao giờ được phép lơi lỏng cuộc đấu tranh này.
VŨ THỐNG NHẤT