(SGGP).- Ngày 26-11 tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức hội thảo đề xuất giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững đối với các xã khó khăn.
Tính đến hết tháng 11, cả nước đã có 10 huyện và 1.298 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều xã đã đạt đủ 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nhưng với các xã ở vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, xã an toàn khu… có xuất phát điểm khá thấp, chỉ đạt được ít tiêu chí ban đầu để vươn lên trở thành xã nông thôn mới thực sự gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, trong số hơn 10.000 xã trên cả nước, có 2.535 xã khó khăn với số tiêu chí bình quân chỉ đạt khoảng 5,94 tiêu chí/xã. Trong đó, số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí là 1.374 xã; số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 552 xã. Thu nhập bình quân/đầu người của các xã khó khăn là 14,07 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã khó khăn là 18,56%. Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn trong giai đoạn 2016 - 2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng trong giai đoạn mới cần tập trung cho các xã ở vùng khó khăn, theo đó Nhà nước sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các xã khó khăn này theo hướng đối với các xã khó khăn và nghèo sẽ được hỗ trợ tối thiểu gấp 4 lần các xã không thuộc diện ưu tiên. Dự kiến nguồn vốn ngân sách bố trí cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tối thiểu là hơn 193.155 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là hơn 63.155 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 130.000 tỷ đồng.
VĂN PHÚC