Đầu tư an toàn, hiệu quả

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, bởi đó là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả. Phát biểu với báo giới, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ nguyện vọng được đầu tư lâu dài trên dải đất hình chữ S thân thương này.

Đối với các nhà đầu tư chân chính, lợi nhuận luôn là mục tiêu quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Với họ, bên cạnh lợi nhuận thu được còn là sự an toàn cho gia đình, bản thân, tài sản và một môi trường sống thích hợp. Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi, Việt Nam đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hàng loạt khu chế xuất, khu công nghiệp đã mọc lên, trong đó có nhiều khu được xây dựng riêng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù vẫn còn tồn tại một số bất cập, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp FDI đã có sự đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất, nâng mức đầu tư lên hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong các ngày 13, 14-5 vừa qua, lợi dụng các cuộc tuần hành thể hiện lòng yêu nước của công nhân sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiều kẻ xấu đã kích động, đập phá, hủy hoại tài sản một số công ty, nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương… Hành động vi phạm pháp luật này đã lập tức bị xã hội lên án.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Bộ Công an, các bộ, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo an ninh trật tự. Trong đó nêu rõ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp; bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều chỉ thị cũng đã được ban hành. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có văn bản gửi Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư hãy yên tâm sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính cử đoàn công tác vào làm việc tại Bình Dương và Hà Tĩnh nhằm đánh giá phạm vi, mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường theo hợp đồng nhằm giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đặc biệt, chiều 17-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương - nơi xảy ra sự cố cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo an ninh trật tự, xử lý những kẻ vi phạm pháp luật, khắc phục hậu quả, từng bước đưa các hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Đến nay, tại Bình Dương - nơi có số lượng nhà máy, công ty bị đập phá, hủy hoại tài sản nhiều nhất, phần lớn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Điều đó cho thấy, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong những ngày vừa qua và những nỗ lực của lãnh đạo địa phương đã khôi phục được niềm tin của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những bài học cần rút ra trong những vụ việc xảy ra vừa qua là sự chủ động ứng phó với tình huống bất ngờ. Sau khi xảy ra tình trạng quá khích, vi phạm pháp luật tại Bình Dương, Đồng Nai, một số tỉnh - trong đó có Tiền Giang đã lập tức cho công nhân ở một số khu công nghiệp có nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tạm nghỉ trong hai ngày 14, 15-5 và tổ chức bảo vệ khá chặt chẽ. Ngay sau đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp giữa lãnh đạo địa phương, các ban ngành và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại khu công nghiệp Tân Hương để lên phương án xử lý nếu xảy ra các tình huống xấu. Các lực lượng chức năng được bố trí tại những điểm dễ bị kẻ xấu đột nhập; các nhà máy, phân xưởng thành lập các đội tự quản dưới sự hướng dẫn của lực lượng công an; lãnh đạo địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý khu công nghiệp… Nhờ chủ động trong công tác ứng phó và xử lý tình huống, các hoạt động sản xuất trên địa bàn đến nay vẫn diễn ra bình thường.

Phát biểu tại các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo địa phương cũng như trả lời báo giới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, họ đã cảm thấy an tâm, tin tưởng hơn; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Hơn ai hết, các nhà đầu tư nước ngoài đã phải cân nhắc, lựa chọn kỹ càng trước khi đầu tư. Mặc dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần sớm khắc phục như thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng nhũng nhiễu ở một số nơi… nhưng nhìn chung môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có nhiều cải tiến so với trước đây. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xác định Việt Nam là nơi “đất lành, chim đậu”. Hơn thế nữa, đó còn là nơi “an cư, lạc nghiệp” cho bản thân và gia đình. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả suốt nhiều năm qua!

ĐÌNH TUÂN

Tin cùng chuyên mục