Đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ: Bấp bênh

Trái với thời điểm đầu năm - giá bán gia súc, gia cầm ở đỉnh rất cao, nay, người chăn nuôi phải ngậm ngùi xuất chuồng, trại với giá thấp, thậm chí thấp hơn giá thành rất nhiều…
Đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ: Bấp bênh

Trái với thời điểm đầu năm - giá bán gia súc, gia cầm ở đỉnh rất cao, nay, người chăn nuôi phải ngậm ngùi xuất chuồng, trại với giá thấp, thậm chí thấp hơn giá thành rất nhiều…

Thất thường

Tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy chăn nuôi vừa tổ chức tại TPHCM, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, giá gà vàng thả vườn tại địa phương hiện bán ra 32.000 đồng/kg, gà trắng công nghiệp 29.000 đồng/kg, trong khi giá thành của gà vàng lên đến 41.000 đồng/kg và gà trắng 34.000 đồng/kg. Với người nuôi heo đang ở ngưỡng cửa hòa vốn.

Chăn nuôi gia cầm tập trung ở một trang trại tại tỉnh Đồng Nai.

Chăn nuôi gia cầm tập trung ở một trang trại tại tỉnh Đồng Nai.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, đầu tư phát triển của ngành chăn nuôi diễn biến theo dạng hình sin, trồi sụt theo chu kỳ. Tuy nhiên, điều bất thường của thị trường từ đầu năm đến nay, sự trồi sụt diễn ra quá lớn và quá nhanh. Đó là do tác động của dịch bệnh lan rộng và kéo dài, cùng với thị trường tiêu thụ có sự bất thường. Trước đây, thịt gia súc, gia cầm cung ứng cho thị trường phía Nam và TPHCM, chủ yếu lấy từ nguồn cung tại chỗ và các tỉnh miền Trung. Nhưng nay, nguồn cung này phải chia sẻ ra thị trường phía Bắc, dẫn đến thiếu hụt.

Trong khi đó, sự tự do hóa trong nhập khẩu thịt đông lạnh với số lượng rất lớn, 9 tháng khoảng 80.000 tấn, dự kiến cả năm là 100.000 tấn thịt đông lạnh các loại. Những yếu tố này đã khiến chu kỳ hình sin thu ngắn lại. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng đàn heo đến tháng 9, tăng 3,3% so với tháng 4-2011 nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ 2010. Chỉ có chăn nuôi gia cầm tăng trưởng khá nhất, đến tháng 9, tổng đàn gia cầm có trên 320 triệu con, tăng 7% so cùng kỳ.

Chăn nuôi gắn liền với dịch bệnh, nhưng khi dịch bệnh xảy ra (lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm…) ngân hàng ngần ngại cho vay hoặc dứt khoát không cho vay. Trong khi đó, chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng quá cao. Giá điện tăng 15,6%, xăng dầu tăng 43,2%, thức ăn chăn nuôi tăng 12%-14%, chi phí vận chuyển tăng 20,2%, lãi suất tăng 9,2% so đầu năm. Ngay cả con giống cũng tăng cao. Ở Bình Định, heo giống bán ra được tính giá 100.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi chỉ 35.000 – 42.000 đồng/kg, mức giá này quá cao so với các nước xung quanh.

Nỗi lo dịch bệnh

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho rằng, sự phục hồi chậm của chăn nuôi là do người dân chưa yên tâm khi dịch bệnh chưa được kiểm soát. Từ năm 2003, khi xảy ra dịch cúm gia cầm, sau đó năm nào cũng xảy ra dịch bệnh như lở mồm long móng, heo tai xanh. Do phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ lên đến 80% nên việc phòng dịch không hiệu quả, bởi người nuôi nhỏ lẻ ít quan tâm phòng chống dịch bệnh, ý thức kém về tiêm phòng.

Về mặt nhà nước, chưa có chiến lược hiệu quả phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng giữa các địa phương chưa đồng đều, nơi tích cực đạt tỷ lệ trên 80%-90% tổng đàn, nhưng có nơi rất thấp nên nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập. Chúng ta cũng chưa quan tâm đúng mức nguy cơ dịch bệnh vật nuôi từ vùng biên mậu của các nước gần như Campuchia, Thái Lan… vào Việt Nam. Nhà nước chỉ mới đưa ra giải pháp tình thế, chưa thể hiện rõ tính bền vững trong chính sách. Tại sao đã có chiến lược phòng bệnh lở mồm long móng, kể cả các biện pháp vaccine nhưng năm nào cũng xảy ra dịch bệnh? Cần đánh giá lại hiệu quả các chính sách.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, với gần 80% sản phẩm chăn nuôi từ hộ gia đình với diện tích bình quân quá thấp, chỉ 0,6ha/hộ. Thu nhập chính của người nông dân, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc vẫn từ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, thời gian trước mắt chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải tiếp tục tồn tại song song với chăn nuôi tập trung đang có xu hướng ngày càng phát triển? Vấn đề là làm thế nào có thể quản lý chăn nuôi gia đình để đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ và hỗ trợ, quản lý được dịch bệnh nhằm phát triển ổn định.

Thực tế trái ngược tại Việt Nam hiện nay, ngành chăn nuôi không hấp dẫn người dân trong nước vì giá cả không ổn định nhưng lại là lĩnh vực đầu tư, ăn nên làm ra của doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay 50% vốn của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Hiệu quả đầu tư nước ngoài cao nhất cũng từ chăn nuôi. Thậm chí, chiếm rất cao, có đơn vị cổ phần chia cổ tức đến 50%, hơn cả ngân hàng.

Trong khi đó, nông dân trong nước nuôi không hiệu quả và lúc nào cũng kêu khó khăn. Đó là điều cần phân tích thấu đáo, để tìm ra lời giải cho chăn nuôi bền vững.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục