Đầu tư cho tương lai

Thật dễ dàng để nói phát triển đào tạo trẻ là xây dựng tương lai cho bóng đá Việt Nam, nhưng từ lý thuyết cho đến hành động thì lại là một khoảng cách quá xa mà đến nay, dưới sự điều hành của LĐBĐ Việt Nam (VFF), vẫn chưa thể kéo gần lại được.

Rất nhiều chuyên gia bóng đá đã chỉ ra rằng, đến nay VFF hoàn toàn chưa có một chiến lược phát triển bóng đá trẻ nào cụ thể cả. Suốt thời gian qua, dù liên tục đối diện với sự sa sút về chất lượng của bóng đá trẻ nhưng VFF cứ loay hoay với các định hướng ngắn hạn. Mới đây nhất, họ dồn trọng tâm vào đội U19 Việt Nam, vốn chỉ là sản phẩm đơn lẻ của Học viện HA.GL rồi cho rằng, đấy là tương lai của bóng đá Việt.

Hơn ai hết, VFF hiểu rất rõ đào tạo trẻ là một công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi nguồn vốn vừa lớn, vừa dài hạn, lại tốn kém thời gian cũng như yêu cầu một sự kiên nhẫn rất cao nơi nhà đầu tư. Ấy vậy nhưng đến nay, VFF hoàn toàn chưa tạo ra một hành lang nào để mời gọi đầu tư mà chỉ chăm chăm “chờ sung rụng” như kiểu lấy thành tích của Học viện HA.GL để định hướng thành tích cho mình.

Điều đáng nói là 7 năm trước, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã từng chỉ đạo Bộ Tài chính thí điểm xây dựng cơ chế vay vốn ưu đãi cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VST (Nghệ An). Cùng thời gian đó, Chính phủ đã cấp ngân sách cho chính VFF xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại Mỹ Đình. Điều này có thể nói, Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác đào tạo trẻ từ lâu, vấn đề là những chủ trương đó không có người triển khai. Cụ thể chính là trách nhiệm của VFF.

Sự thụ động của tổ chức quản lý bóng đá này rất rõ: Trung tâm đào tạo của họ không hề hoạt động. Các “lò” đào tạo tư nhân hiện nay đều do những đơn vị có tiềm lực tài chính cực mạnh như tập đoàn HA.GL, Viettel hay Vin Group bảo trợ thì mới đủ khả năng duy trì. Các trung tâm được thành lập chủ yếu bằng tâm huyết như Đa Phước, VST… nhanh chóng lụi tàn vì không có vốn. Ngay chính các “lò” của Nhà nước nổi tiếng như Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Khánh Hòa hiện cũng lay lắt khi nguồn ngân sách cấp cho phát triển thể thao phong trào của địa phương không còn nhiều như trước.

Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều Học viện như HA.GL – Arsenal, Viettel hay PVF. Nhưng không thể cứ hô hào, khuyến khích xã hội đầu tư cho bóng đá trẻ rồi “sống chết mặc bây”! Hiện tại, VFF không phải tham gia điều hành các giải đỉnh cao, đã xã hội hóa phần lớn các giải đấu trẻ và phong trào, thế nên cộng đồng bóng đá cần ở họ khả năng định hướng, thực hiện chiến lược dài hạn và hoàn thành tốt vai trò cầu nối. Lẽ ra VFF phải có chiến lược cụ thể cho bóng đá trẻ từ việc tăng thêm thời gian thi đấu những giải đấu trẻ, vận động nguồn hỗ trợ quốc tế để tài trợ các dự án đào tạo, hỗ trợ nhân lực chuyên môn cho các “lò” và tìm thêm đầu ra cho các sản phẩm của những lò đó. VFF hoàn toàn có thể sử dụng uy tín của mình để bảo lãnh vay vốn ưu đãi cho các nhà đầu tư. Họ cũng có thể lập quỹ phát triển bóng đá trích lập từ nguồn đóng góp của thành viên và lợi tức từ những giải đấu chuyên nghiệp. Họ có thể học theo FIFA, AFC thành lập các dự án mang tính chiến lược để thu hút nguồn tài trợ. Bản thân VFF đủ cơ chế và thẩm quyền để yêu cầu các CLB chuyên nghiệp phải tham gia đầu tư một phần trong “chuỗi liên kết” đưa một “sản phẩm” từ đào tạo trẻ thành một cầu thủ chuyên nghiệp.

Tóm lại, VFF không thể khoanh tay đứng nhìn các trung tâm đào tạo trẻ phải vật lộn tìm đường ra và để các CLB chuyên nghiệp lãng phí tiền bạc khi thuê mướn cầu thủ với “giá ảo”. VFF cần nhiều tâm huyết hơn, biết hành động vì tương lai bóng đá Việt.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục