Đến nay, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam ký kết với các nước và đến đầu năm 2016 một số thị trường sẽ mở cửa tự do, hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước sẽ thông thoát nhờ cắt giảm thuế suất. Thế nhưng, cuộc chơi không đơn giản khi nhiều nước xây dựng hàng rào kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn chất lượng để tinh lọc hàng hóa vào nước họ. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi phần lớn công nghệ sản xuất trong nước lạc hậu, khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn để vượt hàng rào kỹ thuật vào các nước…
Chỉ 20% công nghệ nhập ngoại
Theo báo cáo kết quả điều tra năng lực cạnh tranh và công nghệ ở các doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014 cho thấy, chỉ 20% doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài; đến 80% chuyển giao công nghệ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau. Dẫu vậy, theo đánh giá, đây vẫn là “con số” có sự tiến lên. Bởi theo khảo sát, năm 2009 chỉ có 1% công nghệ được chuyển giao từ các công ty nước ngoài thì đến năm 2013 đã có khoảng 10% chuyển giao công nghệ đến từ các công ty nước ngoài và đến nay đạt 20%. Trong đó, chỉ có các doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu mới nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, còn hầu hết các doanh nghiệp trong nước không nhận được chuyển giao công nghệ nào từ việc tương tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Dây chuyền công nghệ hiện đại của doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước.
Trong khi đó, trước khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều rằng, việc mở cửa sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và như thế các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ từ nước bạn. Thế nhưng, đến nay vẫn còn 80% doanh nghiệp chuyển giao công nghệ từ trong nước. Nhìn lại TPHCM - một thành phố kinh tế, khoa học kỹ thuật lớn nhất nước - dù hoạt động đổi mới công nghệ rất được các cấp lãnh đạo quan tâm hỗ trợ thế nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận công nghệ mới, kết nối chuyển giao công nghệ… từ nước ngoài. Nguyên nhân, theo nhận định của các chuyên gia, là do doanh nghiệp FDI không muốn chuyển giao công nghệ vì phải giữ bí mật kinh doanh.
Sau 8 năm gia nhập WTO, TPHCM cũng chỉ mới hỗ trợ 16 dự án thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến, vật liệu xây dựng. Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nhìn riêng ở lĩnh vực công nghệ môi trường cũng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, trong khi nếu không đổi mới công nghệ, vẫn giữ công nghệ lạc hậu thì không thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cũng không đủ sức cạnh tranh trên thị trường nước bạn. Bà Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, ngày nay mà doanh nghiệp chưa quan tâm đến công nghệ là đang đứng trước thách thức trong tiến trình hội nhập.
Muốn chuyển giao, phải có nhân lực cao
Theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước thì hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu vào các nước. Thế nhưng, đến giờ các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm đầu tư vào công nghệ. Chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đầu tư vào công nghệ khi đối tác đặt ra yêu cầu phải đổi mới công nghệ.
Sở dĩ việc đầu tư công nghệ bị chậm là do khó khăn trong chuyển giao công nghệ ở các doanh nghiệp trong nước không chỉ ở vấn đề vốn mà còn ở vấn đề nguồn nhân lực. Bởi muốn chuyển giao công nghệ hiện đại phải có nguồn lực lao động có trình độ, tức là kỹ năng và kinh nghiệm của nhân viên mới là nguồn quan trọng cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Do vậy, ngay cả các doanh nghiệp FDI có sẵn vốn, công nghệ nhưng do sử dụng lao động tại Việt Nam cũng gặp khó khăn khi thực hiện chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam. Tính bình quân hiện nay doanh nghiệp FDI sử dụng 84% lao động là công dân Việt Nam, 15,5% lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và 0,5% còn lại là người hồi hương. Trong khi đó lực lượng lao động trong nước trình độ chưa cao. Theo thống kê của Sở LĐTB-XH TPHCM, trong số lao động đang làm việc của TP chỉ có 15% có chuyên môn kỹ thuật bậc cao, chưa đầy 6% có chuyên môn kỹ thuật bậc trung, đến 41% là thợ và các nghề đơn giản và hơn 33% còn lại là lao động làm các loại công nghiệp khác.
Do vậy, bên cạnh các đề xuất nhà nước có chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao sản xuất; các chính sách khuyến khích đầu tư cả trong và ngoài nước như hợp tác nghiên cứu phát triển, cải tiến, chuyển giao kỹ thuật mới cho doanh nghiệp… thì vấn đề căn bản nhất mà doanh nghiệp cần là nhà nước phải hỗ trợ xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, có trình độ để vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại trong sản xuất.
CHẾ HÂN