Theo kế hoạch cải cách kinh tế mới mang tên Tầm nhìn 2030 (Vision 2030) vừa được chính phủ thông qua, Saudi Arabia sẽ sớm giảm tỷ trọng đóng góp của nguồn thu từ dầu trong ngân sách từ 70% xuống 16%, sao cho vào năm 2020, đất nước này vẫn có thể sống mà không cần tới dầu...
Với Tầm nhìn 2030, Saudi Arabia đặt mục tiêu vươn từ nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới lên vị trí 15. Kế hoạch “thoát dầu” kéo dài 15 năm của Saudi Arabia gồm nhiều chính sách như: Triển khai dự án thẻ xanh trong vòng 5 năm tới nhằm tạo điều kiện cho du lịch quốc tế, cho những người Arab và Hồi giáo được sống và làm việc dài hạn tại quốc gia vùng Vịnh này, thay vì chỉ cấp visa cho người tới quốc gia này hành hương như trước đây; tư nhân hóa các khối tài sản trị giá khoảng 400 tỷ USD với mục đích thu hút sự tham gia của các công ty nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tạo thêm hàng triệu việc làm; tăng thuế và tạo một quỹ thịnh vượng 2.000 tỷ USD...
Trước khi đưa ra kế hoạch cải tổ kinh tế đầy tham vọng trên, Saudi Arabia đã phải đứng trước nhiều thách thức do giá dầu liên tục giảm sâu từ năm 2014 đến nay. Dự trữ ngoại tệ Saudi Arabia giảm 116 tỷ USD tương đương 16% xuống mức 616,4 tỷ USD trong năm 2015, và sẽ còn giảm sâu trong năm nay nếu giá dầu tiếp tục giữ thấp như hiện nay. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi công bố kế hoạch cải cách kinh tế, truyền thông Saudi Arabia ngày 26-4 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Muhammad Bin Salman kiêm người đứng đầu Hội đồng Kinh tế của Saudi Arabia đã bàn về các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán để có thể hoàn toàn độc lập với các thương vụ vũ khí của Mỹ. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của thế giới trong năm 2015 tăng 1%, trong đó Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất (2,4%) với tổng ngân sách quốc phòng lên tới 596 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 2 với 215 tỷ USD. Trong khi đó Saudi Arabia bất ngờ vượt mặt Anh và Nga chiếm vị trí thứ 3. Mặc dù Saudi Arabia hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn với ngân sách quốc phòng nhiều thứ 3 thế giới và có mức chi tiêu quân sự theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, nhưng đất nước này lại không có ngành công nghiệp quốc phòng riêng.
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đề xướng liên minh với Saudi Arabia, nước này vẫn hướng đến Mỹ chủ yếu nhằm bảo đảm duy trì an ninh, đặc biệt là nếu có xung đột với Iran - đối thủ lớn theo dòng Hồi giáo Shiite - tại một khu vực luôn tiềm ẩn bất ổn. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ đồng minh Saudi Arabia - Mỹ lại đang rạn nứt vì nhiều chuyện. Hai tuần trước Saudi Arabia dọa bán toàn bộ tài sản ở Mỹ trị giá đến 750 tỷ USD nếu Washington thông qua dự luật, cho phép các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ 11-9-2011 khởi kiện Riyadh vì hầu hết những tên không tặc đều mang quốc tịch Saudi Arabia. Ngoài ra, trước ảnh hưởng gia tăng của Iran ở Trung Đông hiện nay và sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Tehran khiến cho Riyadh lo ngại không thể dựa vào nhà cung cấp vũ khí chính của họ trong tương lai. Và như vậy, để thúc đẩy nền kinh tế, giành được sự độc lập về quân sự với phương Tây, xem chừng sau khi “thoát” dầu, Riyadh lại tập trung vào vũ khí, khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, thậm chí là vũ trang hạt nhân, ở Trung Đông.
HẠNH CHI